Wednesday, September 3, 2014

Bụi Trúc Đen Bên Mái Hiên Tịnh Xá (Khóa Tu Mùa Xuân 2009)



Tịnh xá Ngọc Sơn có mấy bụi trúc. Theo lời Sư Minh Thiện, "lúc mua thì nó màu xanh," Ngài vừa cưới vừa nói. "Tui thích loại trúc xanh. Đem về trồng xuống nó lớn lên lại đổi màu ra đen." 

Sư Minh Thiện to lớn, nước da ngâm đen như người Ấn Độ; có lần thầy không ngần ngại kể chuyện khôi hài về sự lầm lẫn chân tướng của chính mình cho đại chúng nghe. "Người ta tưởng thầy là người ngoại quốc, không biết tiếng Việt nên khi tiếp rước cứ ngại ngùng chằng biết xưng hô ra sao." Trên môi Sư, lúc nào cũng thấy nở một nụ cười kèm theo đó giọng nói miền Nam, hiền lành và thân mật như âm tự trong Pháp danh của Ngài. Từ thuở cơ hàn cho đến ngày Tịnh Xá có cơ ngơi, Sư Minh Thiện luôn luôn thương yêu và đùm bọc đám con yêu, những đoàn sinh GĐPT. 

Bước lên đám võ cây vụn phả đầy gốc trúc, Sư dùng tay dập nhẹ lên một cây măng non cao cở hơn thước nói: "nè, măng nè. Lúc đầu thì xanh như vầy nè."

Trong đám ngồi dưới mái hiên chờ cơm trưa, chỉ có anh Tâm Đẳng là người duy nhất tỏ vẽ sành sỏi và thích thú một cách cố ý.

- "Dạ đen thì quý hơn," anh Tâm Đẳng xen vào. "thứ này nó nhảy dữ lắm. Thầy coi, chừng vài năm thì cả sân xi măng này sẽ bị bứng lên."

Vài tiếng hưởng ứng chiếu lệ phát ra từ mấy anh chị ngồi quanh hai chiếc bàn nhựa dưới mái hiên ngôi chánh điện cũ. Từ đây nhìn qua phía trái, một dãy trúc cao ngăn như hàng rào; phía trườc mặt bên phải cái hồ nhân tạo là tượng đức Quán Âm với hai bụi trúc thấp hơn và thân thì mỏng manh.

Trồng trúc có bị tàn phá, hư hại môi trường hay không thì còn nhiều thời gian để chứng minh nhưng ngay bây giờ thì không ai nỡ chối cãi rằng bụi trúc nhìn rất đẹp. Thân không to bự như lồ ồ mà ốm và mun. Ngay cả mấy cây mà Sư Minh Thiện cho là xanh, thì ít ra cũng có chút đen mun nơi mụn mắt. Lúp lẫn trong cái màu đen óng ả của thân trúc, những chiếc lá xanh rì và nhọn như phi lao làm người ta liên tưởng đến ngoại cảnh từ những cuốn phim võ thuật Trung Hoa đang được giới Hollywơd ngưỡng mộ. Trúc không phải là tre nên không có gai và măng trúc cũng không có những đám lông nhìn thì mịn màng nhưng đụng vào thì gai gốc. Bụi trúc cũng chưa cao lắm vì hình như cũng chưa chắn mấy cái cửa sổ tăng phòng. Ngay mái hiên chùa thì bụi trúc cung cấp được một bóng mát, cái không gian đó không to lắm chỉ vừa đủ để kê tạm mấy cái bàn ăn cho mấy anh chị huynh trưởng dùng cơm trong hai ngày tu học của khóa mùa Xuân năm nay. Dưới nhiệt độ thiêu đốt -mát của dân xứ nóng- nơi đây lại được một chút gió nhẹ nên anh chị nào cũng phải gồng người để khỏi bị lôi cuốn vào cơn buồn ngủ nghiệt ngã.

Bụi trúc bên hiên tịnh xá không rậm lắm nên chi khi nhìn lúp lúp xuyên qua cũng thấy mập mờ một cái bếp dựng tạm để cung cấp thức ăn cho các đoàn sinh bốn đơn vị trong vùng Tây Bắc. Chị Mai, chị Nguyệt và vài cô bác nữa đang hì hụp dưới nắng trưa với nồi canh chay. 

Dưới gốc trúc, trên đám vỏ cây một lối mòn do nhiều người qua lại nay trở thành con đường tắt để Lâm và Như Bình tãi thức ăn. 

Có một bụi hồng với hai bông vàng vừa nở, đứng xen lẫn tìm sự che chở giữa mấy thân trúc đen. 

Từ hai dãy bàn kê tạm, có người phát biểu: "Mấy cây này trồng ở nhà em thì đẹp lắm." Anh Tâm Đẳng, như chỉ chờ có vậy, nói cho vừa đủ nghe bởi Sư Minh Thiện vẫn còn đang chăm sóc mấy cây trúc. "Khi nào em đào măng, cho anh quá giang vài mụn, nghe." Rõ ràng là trong lúc ngồi đây thưởng thức ngọn gió mát, hít thở mùi thơm thức ăn của mấy anh chi cô bác nấu nướng tâm hồn anh không có đây; anh Tâm Đẳng đang ngồi ở nhà nhìn thấy bụi trúc đen đằng sau vườn nhà anh. 

Đột nhiên, Sư Minh Thiện lên tiếng:

- "Bụi kia kìa," chỉ về phía hai bụi trúc rậm trồng hai bên tượng Quán Âm lộ thiên, Sư nói: "hai đám đó lại không to."

- "Dạ, có lẽ bị rậm, quá." Vẫn không bỏ qua ý định, anh Tâm Đẳng tiếp "Khi thuận tiện có người đào, con xin Thầy vài gốc." 

Sư Minh Thiện mỉm cười "ờ! thôi mấy anh dùng cơm nghe." 

Mọi người chỉ chờ có vậy, đồng loạt dạ một tiếng lớn rồi quay qua khua đủa. Anh Tâm Đẳng quên cả ăn, đôi mắt lại mơ màng; chắc lại tưởng tượng ra sân nhà mình có một bụi trúc đen tuyền rạp bóng, gió hè thổi vi vu. Mấy cọng râu cắt cớ trên cằm anh lung lay nhè nhẹ..

Trúc có một chỗ đứng khá khiêm nhườn trong văn học Tàu cũng như Việt, trúc tượng trưng cho người quân tử, một gentelman thẳng thắn, trung trực. 

Trúc xuất hiện trong văn thơ, như:

"Nhà em có ngọn trúc đào
mùa thu lá đổ bay vào sân em..."

hay là

"Trúc xinh trúc mọc đầu đình"

Nơi quê nhà, đầu làng cuối xóm trúc là hình ảnh thân quen. Ở đây, chốn tha phương người mình thưòng trồng một bụi trúc cho đỡ nhớ nhà nhất là cảnh chùa có thêm một vài bụi trúc trông thiền vị. 

Ngay cả mấy gốc măng non cũng được dùng làm thành ẩn dụ cho một sự tiếp nối, như trong câu "Tre tàn măng mọc"; sự truyền thừa cần thiết được nói đến nhiều trong tổ chức Gia Đình Phật Tử. Chỉ trong miền Thiện Minh không thôi, Anh Tâm Đẳng đã hơn tám mốt, anh Đồng Duy nắm chéo áo đứng phía sau kéo theo một tá anh chị đã hơn lục tuần. Phước đức ông bà gần đây cũng thấy trồi lên một vài mụn măng non. Mấy mụn măng non tuy còn xanh nhưng rồi như Sư Minh Thiện kinh nghiệm, "trồng xuống, lớn lên nó sẽ thành đen..."

Ngày mai là lễ bế mạt hai ngày tu học, tịnh xá Ngọc Sơn chắc chắn sẽ trở lại vắng vẻ vì mất đi tiếng cười nói vui đùa của hơn sáu chục em đoàn sinh; một điều chắc chắn hơn hết là sẽ mất luôn mấy gốc măng trúc đen bên mái hiên tịnh xá.

 
Thị Hưng
viết cho hai ngày tu học tháng năm, 2009

1 comment:

  1. Sao trông giống cây mía quá ta, nhìn không có vẻ giống cây trúc cho lắm , quả thực là cũng khó cho con người Việt Nam chúng ta thật .
    ............................
    thép hòa phát | thép hộp mạ kẽm

    ReplyDelete