Wednesday, September 3, 2014
Phong Tục Ngày Tết Nguyên Đán
Người Việt gọi ngày đầu năm âm lịch là ngày Tết Nguyên Đán, hay nói gọn là Tết. Tết là mùa để sum hợp, ăn mừng và nghỉ ngơi. Đối với bà con ở nông thôn Việt Nam, việc ăn Tết càng quan trọng hơn, vì trong năm hết làm những vụ lúa mùa, còn phải trồng hoa màu phụ, cho nên công việc nhà nông làm không dứt, quanh năm suốt tháng thật bận rộn, vất vả với công việc đồng áng và có khi không được nghỉ ngơi những ngày cuối tuần. Vì vậy, Tết là cơ hội để nghỉ ngơi, bỏ tất cả mọi công việc hằng ngày để Mừng Xuân Hưởng Tết: đoàn tụ gia đình, ăn uống, giải trí, thăm viếng và chúc tụng lẫn nhau...
Khi nói đến Tết, là chúng ta thường nghĩ đến những bận rộn nhưng đầy niềm vui như: Ở vùng quê, miền Tây Nam phần Việt Nam, bà con mình sau vụ lúa mùa, tức khoảng giữa tháng chạp, bắt đầu lo xay lúa, xay nếp để chuẩn bị làm bột, tráng bánh: bánh tráng thì tráng ban ngày; ban đêm, thì quết bánh phồng. Bà con lối xóm kéo nhau đến nhà này sang nhà nọ để giúp nhau, không khí những ngày này thật vui nhộn. Quý bà nội trợ cũng bắt đầu chọn ngày để làm dưa cải, dưa giá, dưa kiệu ... để cho kịp chua cho ngày Tết, cũng như còn phải mua sắm chiếu mùng, quần áo mới cho cả nhà. Nhà nào có trồng hoa mai, cũng chuẩn bị lặt lá từ hôm rằm tháng chạp, để nó nở đúng vào ngày mùng một (hoa nở nhiều và đúng vào ngày mùng một Tết là điềm vui vẻ, sung túc cho cả năm).
Chiều 23 tháng chạp âm lịch hằng năm, mỗi nhà thường tổ chức lễ tiễn đưa ông Táo về chầu trời, để tấu trình mọi việc dưới trần gian và trong gia đình của gia chủ. Ai ai cũng muốn ông Táo trình những điều phước điều thiện mà họ đã làm trong năm, với hy vọng là Trời sẽ ban cho họ năm mới tốt đẹp hơn.
Khoảng các ngày 24, 25, 26 Tết, thường quý ông làm việc lu bù, nào sơn phết nhà cửa, hàng rào, đánh bóng những bộ lư hương bằng đồng, dọn dẹp trang hoàng tủ thờ... Tất cả cái gì cũng phải thật mới để ăn mừng Tết ! Riêng quý phụ nữ thì trổ tài làm bánh mứt đủ loại như : Bánh chưng, bánh tét, bánh ít, Mứt khóm, dừa, gừng, hạt sen, me, mãng cầu... đủ màu thật đẹp mắt. Quý bà nội trợ cũng chuẩn bị nồi thịt kho với trứng Vịt và nước Dừa tươi. (Thịt kho mà ăn với dưa giá thì thôi khỏi phải chê).
Thường bánh Tét, bánh chưng được nấu vào đêm 28 hoặc 29 Tết, canh nấu suốt đêm đến sáng mới chín, thời gian phải mất khoảng trên 7 giờ đồng hồ. Bánh chín vớt ra cho ráo nước để chuẩn bị đem biếu cho bà con, họ hàng thân tộc trong dòng họ, trong khi bánh còn nóng hổi.
Chiều ngày 30 Tết, mọi nhà đều làm lễ cúng tổ tiên, cúng thần đất đai để rước linh hồn ông bà và những người thân về ăn Tết cùng con cháu gọi là cúng Tất Niên và đến mùng một Tết cúng chay và đến mùng 2 cúng mặn lại. Bữa cơm cúng rước ông bà là một trong những bữa cơm cuối năm ăn ngon nhứt trong gia đình sau những ngày chuẩn bị Tết mệt nhọc. Trên bàn thờ ông bà, thông thường có bộ lư hương bằng đồng được lau chùi sáng choang, hai bên có chân đèn để cắm cặp đèn cầy màu đỏ, một cặp dưa hấu và kèm theo đủ loại bánh mứt và mâm ngũ quả.
Người Việt mình cho rằng vũ trụ được tạo bởi năm nguyên tố căn bẳn: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Cho nên mâm ngũ quả thường gồm năm loại trái cây mà tên gọi có ý cầu mong một điều gì đó. Trong mâm quả thường hay có Mãng Cầu (là cầu chúc cho mọi điều đều như ý), có Sung (với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc), có Dừa, vì âm "dừa" tương tự như là "vừa", có nghĩa là không thiếu; rồi Đu Đủ, vì đó có nghĩa là mang một năm mới được đầy đủ thịnh vượng; Ngoài ra còn có Xoài, vì tên "Xoài" na ná như là "xài", để cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn. Tục Mâm Quả ngày Tết là một nét đẹp của dân tộc Việt Nam mình, nó biểu tượng cho lòng biết ơn ông bà tổ tiên cũng như sự mong ước một năm mới an khang, nhiều may mắn, tốt đẹp.
Ngoài ra, một bàn thờ thiên cũng được thiết lập ngoài trước sân nhà và có cây tre làm cây nêu dựng sẵn trước cửa nhà, trên bàn thờ này cũng chuẩn bị nhang đèn hoa quả.
Sung sướng nhất vẫn là các em nhỏ, khoảng gần xế chiều 30 Tết, thì được tắm rửa sạch sẽ để sáng mai thay quần áo mới, còn người lớn thì phải lo đủ thứ kể cả mấy bao gạo, lu nước, hũ muối cũng phải châm cho đầy, còn mấy ông bà nghiện trầu cau, thuốc hút cũng phải đi mua cho đủ, vì ba ngày Tết ít có tiệm nào mở cửa bán. Các khoản nợ cũng được trang trải cho xong, để con nợ không hỏi tiền mình thiếu trong ba ngày Tết, họ tin rằng đây là điềm không may trong năm mới.
Sau khi làm lễ đón rước ông bà và ăn uống xong, các trẻ con thường đi xem múa Lân hoặc đi từng đoàn từ nhà này qua nhà khác vui chơi. Có nhà thì vẫn còn nấu bánh tét cố ý ngồi châm lửa, uống trà để chờ giờ đón giao thừa. Còn người lớn, nhứt là quý bà lo nấu chè, nước, hoa quả, cắt bánh Chưng, bánh Tét... để chuẩn bị đón giao thừa đúng 12 giờ đêm.
Đến giữa khuya, tiễn đưa năm cũ rước năm mới vào, gọi là giao thừa. Thật lạ lùng thay! Tất cả cảnh vật trở nên nghiêm trang và rất là thiêng liêng, nhà nhà đều cúng lễ gia tiên giao thừa, treo bùa nêu lên đọt cây tre, rồi đốt pháo. Tiếng pháo vang rền khắp mọi nơi để đuổi trừ những cái xui xẻo năm cũ và đón mừng năm mới, với ước mơ hy vọng bước sang năm mới sẽ làm ăn phát đạt hơn, may mắn hơn và nhiều tốt đẹp hơn năm cũ. Sau khi nhang tàn, thì hạ mâm cỗ xuống để cả nhà cùng quây quần ăn chè, bánh mứt, hoa quả...
Phong tục Tết Việt Nam hằng năm, thường mỗi nhà nấu một nồi chè đậu xanh để cúng giao thừa và dựng nêu. Ngoài ra, còn cắt dưa hấu đầu năm nữa, nếu trái dưa hấu thật đỏ, lại ngọt dòn, thì nhà đó tin rằng năm mới sẽ có thời vận tốt cho gia đình suốt năm, còn trái lại dưa hấu không đỏ, không ngon ngọt thì xem như năm mới không được tốt và bị xấu cả năm (đó là sự dị đoan của phong tục Việt Nam xa xưa).
Còn trẻ con sau khi đốt pháo và ăn uống no nê thì đi ngủ, chỉ còn người lớn tuổi ngồi nhâm nhi bên tách trà xanh để thưởng thức cái yên lặng, cái linh thiêng huyền diệu của đêm trừ tịch với mùi trầm hương quyện lẫn mùi pháo, rồi tưởng nhớ những người thân đã khuất hay nhắc nhở đến một vài đứa con, đứa cháu trong gia đình vì đi học hay đi làm ăn xa không thể về chung vui mừng xuân đón Tết bên tổ ấm gia đình.
Có nhiều người hay gia đình, sau khi cúng giao thừa xong vì tin tưởng vào số tuổi để chọn giờ xuất hành đầu năm cho hạp và làm ăn phát tài năm mới, rồi còn chọn hướng đi nơi nào trước, để cúng chùa, cúng đình...hoặc đi hái lộc hay xin xâm đầu năm, để cho biết thời vận trong năm đó. Việc hái lộc thường chọn một cành cây xanh tươi tốt, có nhiều mầm non, tượng trưng cho năm mới được tài lộc sung túc.
Sáng mùng một Tết, thì thói thường ông bà già hay chủ gia đình thường thức dậy sớm để làm lễ xông đất, nếu các con các cháu có thức sớm hơn cũng không được mở cửa nhà, mà phải chờ đợi người gia trưởng trong gia đình mở cửa, tất cả con cháu xúng xính trong bộ quần áo còn thơm mùi vải, cả gia đình phải tề tựu trước bàn thờ để trước làm lễ cúng ông bà tổ tiên đầu năm, sau mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Các con cháu được lì xì bằng những phong bì màu đỏ, bên trong có tiền mới toanh, còn thơm mùi giấy, theo thói thường các con cháu làm tuổi nói như sau : Năm cũ qua, năm mới tới, Con làm tuổi ông bà (hay cha mẹ) được mạnh khỏe, vui vẻ và sống lâu trăm tuổi.
Kể từ mùng một đến mùng ba Tết, mọi người rất kiêng cử, không được giận hờn, gắt gỏng, la rầy, không tạo chuyện buồn phiền, vì e rằng sẽ xui cả năm, không được hái trái cây và cũng không được quét nhà đổ rác đi, vì người mình tin rằng, khi quét nhà đổ rác, tiền bạc sẽ ra như rác vậy.
Trong ca dao Việt Nam cũng có câu : "Mùng một Tết nhà, mùng hai Tết thầy, mùng ba Tết bạn". Trong suốt ba ngày tết nhiều trò chơi kể cả cờ bạc, thú vui, biểu diễn nghệ thuật, múa lân, thi đua được tổ chức khắp nơi để mọi người giải trí, trổ tài hay tranh tài. Đến sáng mùng ba Tết, mọi nhà cúng để tiễn đưa linh hồn tổ tiên trở về âm giới. Mặc dù thế, trên bàn thờ lúc nào cũng được thắp nhang, hương khói nghi ngút, đèn sáng trưng. Mùi trái cây, mùi hương, mùi pháo tất cả hòa lẫn nhau tạo nên một hương vị đặc biệt của riêng những ngày Tết Việt Nam. Những cành Mai, cành Đào trên bàn thờ hay ở góc nhà cùng vài chậu Vạn Thọ, Cúc, Thược Dượt... đang khoe sắc tỏa hương thơm ngào ngạt góp phần tạo nên không khí ngày Tết.
Tết ở nông thôn vui lắm, có khi kéo dài đến cả tháng, chọn ngày tốt để làm lễ hạ nêu, trong khi dân thành phố thì trái lại, chỉ ăn Tết nhiều lắm ba ngày, nhưng thường là ăn Tết đến hết ngày mùng bốn hoặc mùng sáu là hạ nêu và làm lễ khai trương cửa hàng buôn bán, ít ai đầu năm chịu làm lễ khai trương vào ngày mùng năm, bởi vì ngày mùng năm là ngày lẻ, nên mọi người cho là không tốt.
Mùng sáu mặc dầu đã hết Tết, nhưng “tháng một là tháng ăn chơi”, cho nên cái âm hưởng những ngày Tết vẫn kéo dài đâu đó: bàn thờ vẫn còn nghi ngút khói hương, mai vẫn còn vẫn vàng rực rỡ trước sân nhà, những tiếng pháo, múa lân vẫn còn đì đùng lảo rảo khắp đường, những nụ cười hớn hở của đám trẻ thơ với những bao lì xì đỏ thắm và những hàng Bầu, Cua, Cá, Cọp vẫn còn vang vảng đâu đây.....
Diệu Minh
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment