Wednesday, August 23, 2017

Tản Mạn, Chu Du Tây Bắc

Rời Liên Tỉnh Lộ Đông 20, chúng tôi gồm Thầy Từ Lực và bốn Huynh Trưởng, Tâm Nhuần-Trần Văn Nhuận, Nguyên Trí-Phạm Tịnh Thư, Thị Hưng-Đường Hào và Quang Hiền-Nguyễn Xuân Vấn, trên hai xe, nhập vào dòng thác đổ của xe cộ rộn rịp xuôi nam trưa Thứ Bảy ngày 5 tháng 8. Chúng tôi vừa mới từ giã mọi người của Trại Họp Bạn Lam Viên, tổ chức tại Công Viên Tiểu Bang Rasar State Park và đang hướng về Thành Phố Seattle khởi đầu chuyến đi thăm viếng chư tôn đức, chùa và các đơn vị nằm trong cùng hệ thống Ban Hướng Dẫn Miền Thiện Minh. Nhưng, đầu tiên hết và trong
lúc này, chúng tôi về tư gia của Anh Nguyên Trí, trên Đường Holly để trước là thăm viếng tư gia của anh, sau thắp cho phu nhân anh, chị Nguyên Nhung-Nguyễn Thị Bích, một nén hương tưởng niệm.
Trưa cuối tuần nhưng mực lưu thông về nam tương đối không đến nỗi tệ. Mặt trời toả nắng đuổi theo sau lưng mang theo nóng và khô quen thuộc của California. Cơn nóng hiệu ứng phòng kính có thể đang dần dần thay đổi tên gọi của Tiểu Bang Xanh Washington. Nhưng cũng còn một chút may mắn: thành phồ này vẫn còn khá nhìều sông và đặc biệt là cả một đại dương bên bờ tây hiên.

Chúng tôi đi ngang qua Thành Phố Everett, bản doanh của một Căn Cứ Hải Quân quan trọng của Liên Bang Hoa Kỳ. Nghe nòi từ đây tàu bè và những con kình ngư đáy biển có thể thông qua Biển Thái Bình đến căn cứ tầu ngầm trên đảo Whidbey. Từ Exit 202 đến 201, đây là trung tâm của Casino Tulalip. Hình như luật tiểu bang về kinh doanh sòng bài chỉ dành riêng cho người da đỏ và trên đất của người da đỏ. Khu sòng bài mang tên bộ lạc Tulalip xanh mát, nguy nga, đồ sộ. Chỉ cần nhìn vào số lượng xe đậu trên bãi dành cho khách cũng đủ biết đang có một trận chiến dành chủ quyền diễn ra một cách quyết liệt giữa những người da đỏ và đám da trắng, ít nhất là trên các bàn bài xì dách, hay ở mấy cái máy kéo, slot machines. Một điều lạ lùng và đáng kinh ngạc: nạn nhân sao lại toàn là những người tóc đen da vàng!
Đây Exit 175, lối vào thành phố Viện Đại Học Washington, UW., trung tâm học vấn, đầu não giáo dục của Tiểu Bang Xanh. Đây là nơi đang có hàng chục ngàn sinh viên từ các nước một thời là thù địch: Việt Cộng và Trung Cộng; cũng là nơi đào tạo nhân tài trong các ngành cần hiểu biết và khả năng cao: bác sĩ, kỹ thuật gia... cho toàn quốc, nếu không muốn nói cho cả thế giới. UW. Có một vị trí thật tốt nằm trên bờ một dòng sông uốn khúc bao trùm một phần lớn thành phố đồi núi Seattle. Dòng sông này chảy vào đất liền tạo ra một hồ lớn Washington Lake, nơi quy tụ những sảnh đường của các đại gia chủ nhân ông các công ty tầm cỡ thế giới như Microsoft, Apples, Amazone, Boeing...
Washington Lake lớn như Biển Hồ của quốc gia Campuchia. Với Biển Hồ cá là một tài nguyên quan trọng, nuôi sống cả đất nước; Washington Lake thì quy tụ nhiều đô la và nuôi sống cả thế giới. Từ đây, chúng tôi xuyên qua trung tâm thành phố, ngọn Tháp Bút Không Gian, Space Needle, đặc trưng của thành phố bị bỏ lại phía sau dòng xe nối đuôi qua kính chiếu hậu.
Thật là một bất ngờ. Giữa một buổi trưa cuối tuần, trên khúc đường nhộn nhịp nhất, chuyến đi của chúng tôi đã đến nơi không một giây chậm trễ!

• Tư Gia Huynh Trưởng Nguyên Trí-Phạm Tịnh Thư
Nhà của anh Nguyên Trí đây rồi! Cái sân trước ngợp đầy lá từ giàn cây leo bông tím, tiếng nước róc rách từ cái hồ nhân tạo… cảnh trí tuy không khác biệt song vẫn phản phất sự quạnh hiu vì thiếu vắng Chị Nhà. Chúng tôi kẻ xách người mang những đồ vật cá nhân vào trong, phân chia nơi tạm trú ngã lưng sau một khoảng đường dài. 
“Tôi xin lỗi nằm chút xíu”, Anh Tâm Nhuần nói. “Bị cảm bất ngờ. Sáng nay lại thức sớm, ba giờ đã ra phi trường rồi”.

Trong lúc HTr Chủ Nhà loay hoay cùng Quang Hiền dọn thức ăn chiều, Thầy đã ngồi vào bàn viết gõ “Rừng Thông Vang Vọng Tiếng Lam Hiền” cho kịp gởi đến Ban Quản Trại Trại Lam Viên như đã hứa. Thầy viết xong--chưa chỉnh sửa---thì chúng tôi dùng cơm chiều. Bữa cơm đơn giản mà ngon tuyệt!

“Chi mô nờ”, Anh Nguyên Trí nói. “ Đây là rau dền lấy từ vườn rau của thành phố đó. Organic. Free.” Chỉ vào mấy món xào mặn, canh chua, anh tiếp. “Thi (con gái anh) nấu đó. Nó vừa về. Nấu xong, đi rồi”. Anh vui vẻ mời mọi người dùng bữa: “Thầy dùng được không? Cải chua con làm đó. Anh Hào thấy sao? Dễ làm lắm. Này nhá, rửa cải xong, cho vào nước ấm, muối, dấm, ngâm qua ngày sau là ăn được liền. Anh biết vì sao đàn ông nấu ăn ngon hơn đàn bà không? Vì đàn ông khi thử đồ ăn vợ nấu, họ không dám nói sự thật! Ngon dở chi cũng khen. Là vậy!” Tôi biết anh đang nhớ đến Chị. Anh đang mơ về những ngày tháng bên Chị, những bửa ăn do chính Chị nấu. Phản phất mùi hương vẫn còn đây!
Nhà của anh là nơi đã một thời được dùng như là một đoàn quán hay đúng hơn chỗ họp bạn của đa số Anh Chị Em GĐPT, không chỉ giới hạn cho đoàn sinh Liễu Quán mà còn vui vẻ chào đón tất cả mọi người ở khắp bốn phương từ Trung Ương, Miền, cả đến địa phương.
Cơm nước xong, Thầy trở lại với “Rừng Thông…” yên lặng, trầm ngâm. Tôi theo ba chàng ngự lâm “chữa lửa” bên hồ cá koy ở hiên sau. Giàn nho leo lá phủ kín cả khu vườn. Tĩnh mịch. Không gian của văn thơ. Anh Tâm Nhuần đọc cho tôi nghe bốn câu thơ cũ vừa bất chợt đi qua trong đầu. Tôi không kịp ghi lại. Bài thơ tám chữ trau chuốt, mang đậm nét Nguyễn Bính cổ điển. Tôi bỗng dưng nhớ lại một bài thơ tôi đã làm cách đây hơn thập kỷ. Bài thơ “Chị Tôi” khá dài, hơn 40 câu óng ả, đong đưa. Giờ nghe lại cũng có chút hồn:

“Tôi nhớ ngày xưa còn nhỏ dại
Mỗi lần bóng xế nhạt hàng hiên
Chị tôi hong tóc bên giàn bí
Bông phấn vàng bay những luỵ phiền

Thuở đó chị tôi đẹp mặn mà,
Hương trời sắc nước chim nhạn sa.
Lắm chàng trai xóm đi lên xuống,
Mong mỏi nguyện cầu lọt mắt hoa.
…”
Xong phần thơ...thẩn là đến giờ đi ngủ. Chúng tôi chia nhau đề huề, không phân biệt đối xử ba cái ghế bành êm ái. Chiếc quạt nhỏ thổi những cơn gió nhẹ, đều. Chủ nhà nằm trên chiếc nệm đặt dưới sàn với con “Bơ” đang nghịch ngợm chơi với chiếc banh da nhỏ, phát ra những tiếng leng keng bực bội.

“Anh Thư có Advil cho xin một viên”, Tâm Nhuần hỏi. “Tôi dùng thứ này quen. Ngủ dễ lắm”.

Dễ thật! Không đợi phát súng lệnh bắt đầu cuộc đua, tầng số ngáy đã thi nhau phát sóng. Nhẹ nhàng. Khi lên bổng, lúc xuống trầm. Cũng có những âm thanh lạc điệu, rột rạc như cối xay gạo hay xình xịch của đầu máy xe lửa đang qua hầm Rù Rì, Rò Tượng của Nha Trang quê tôi thời tuổi nhỏ. Căn phòng mờ nhạt. Ánh sáng toả ra từ chiếc đèn soi tượng Đức Bổn Sư dịu nhẹ, ấm áp.

Bảy giờ sáng chúng tôi dùng điểm tâm với cháo trắng nấu bằng nồi cơm điện đa chức năng. Cháo mềm, dẻo. Tôi từ nhỏ đã quen với món ăn thanh đạm này vì nội tổ thời loạn lạc làm thân di dân đến từ Quảng Đông và cháo là món ăn không bao giờ thiếu. Tôi ăn riết sanh ra ớn. Đã lâu lắm không ăn món cháo trắng (thiếu cải mặn bắc thảo), hôm nay được gia chủ thiết đãi, chẳng dám chối từ. Lúc ăn vào lại thấy ngon, là lạ.

• Viếng Chùa Cổ Lâm, Vấn An Hoà Thượng Viện Chủ Thích Nguyên An
 Chùa Cổ Lâm, một ngôi chùa Việt được biết như “cổ” nhất trong vùng Seattle và Vùng Phụ Cận. Chùa có mặt chỉ vài năm khi đợt dân tỵ nạn Việt đầu tiên đến định cư tại thành phố lạnh lẽo này. Chùa không xa nhà anh Nguyên Trí mấy, xe chưa nóng máy chúng tôi đã đi vào khuôn viên chùa qua một cổng tam quan đồ sộ. Hoà Thượng Nguyên An tươi cười khi gặp Thầy Từ Lực và chúng tôi tại ngôi nhà mà ngày xưa là chánh điện của ngôi chùa cũ. Hoà
Thượng rất hoan hỷ, Ngài đã hướng dẫn phái đoàn vào đãnh lễ Đức Bổn Sư tại ngôi Đại Hùng Bảo Điện. Tại
đây, Thầy đã vấn an Hoà Thượng và trình bày về chuyến viếng thăm ngắn ngủi quý Chư Tôn Đức và tự viện trong quốc độ Tây Bắc. Chúng tôi đã cùng nhị vị tôn túc trò chuyện và chụp hình lưu niệm nơi vườn cảnh tượng Đức Quán Thế Âm lộ thiên, kỷ niệm buổi gặp gỡ trong không khí tươi mát với những tia nắng chói chan đầu ngày. Chúng tôi cáo từ Hoà Thượng. Mọi người đồng cầu nguyện Hoà Thượng thân tâm an lạc, Phật sự viên thành và không quên hẹn gặp lại trong một ngày không xa.

• Viếng Chùa Dược Sư, Vấn An Hoà Thượng Viện Chủ Thích Đồng Trung
Khoảng hơn 9 giờ, chúng tôi có mặt tại Chùa Dược Sư Seattle, không báo trước. Trong lúc chờ được diện kiến và vấn an Thầy Viện Chủ Thích Đồng Trung, mọi người theo mấy chục bước tam cấp vào Phật Điện ngôi chùa mới. Nguy nga, bề thế. Đại Hùng Bảo Điện nằm tầng trên hết, rất lớn, lớn đến độ cái gì đưa vào đây đều hoá nhỏ kể cả khách thập phương bổn đạo khi đến hương khói viếng thăm đạo tràng. Tôi cũng tự thấy mình nhỏ nhoi khi đứng trước tấm phong vẽ hình Phật Ngọc. Thầy Viện Chủ tiếp chúng tôi tại bàn thư ký tại chánh điện. Thầy trông già và nét mặt có vẻ trầm tư không như những lần gặp trước đây. Mái tóc còn lún phún để lộ những sợi tóc bạc càng nói lên những ngày tháng khó khăn chất chồng lo tính cho việc xây cất để hoàn tất ngôi đạo tràng. Dù vậy, nụ cười của Thầy vẫn luôn luôn tươi mát và cung cách vẫn ung dung nhẹ nhàng, thật đáng kính. Tôi ngồi lắng nghe nhị vị tôn túc thăm hỏi nhau, cùng trao đổi những kinh nghiệm trong Phật sự quý hiếm. Thỉnh thoảng hai Thầy phá lên cười thoải mái làm chúng tôi cũng vui theo. Thật là một buổi sáng thiền vị. Còn nhớ ngôi chùa cũ khi mới được tạo mải rừng cây dâu gai kín đặc trùm gần hết cái sân sau. Thầy và một số quý bác đã ra công dọn dẹp ngày đêm. Nói “chảy máu, đổ mồ hôi” cũng không sai, cái loại berry hoang gai chằn chịt, đụng vào không trầy da cũng tróc vảy; nhà ai có đất, sân hoang thì biết rõ. Hôm nay muốn tìm “thành xưa, tích cũ” như “vạch cỏ, tìm kim”. Từ một ngôi chùa nhỏ trên một mảnh đất hoang, Chùa Dược Sư nay biến thành một ngôi chùa quá lớn, vĩ đại, khang trang, nhiều người biết đến. Nói ra để thấy việc hoằng pháp và hộ pháp không dễ, công đức của quý Ngài thật vô lượng là vậy.

Rất tiếc là thì giờ của phái đoàn quá giới hạn, nên chúng tôi phải tạm biệt Thầy Đồng
Trung và lên đường xuôi nam cho kịp chương trình vạch sẵn.

• Thăm Huynh Trưởng Lão Thành Tâm Đẳng-Phạm Văn Bình
“Lấy Exit 129”, Anh Tâm Đẳng-Phạm Văn Bình căn dặn nhiều lần. “Bây giờ đi chưa? Dẫy chớ sao. Anh phải chờ chớ!”

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi rời Chùa Dược Sư trực chỉ tư gia HTr Tâm Đẳng. Xa Lộ Nam Bắc I5 đang được trùng tu. Khúc đường đi ngang Casino Emeral Queen bị tách ra làm hai nhánh, một về nam, một vào trung tâm Thành Phố Tacoma. Hình như con lộ này có vấn đề nơi ngõ vào Tacoma Dome, quanh năm suốt tháng cứ thấy lục lộ làm đường. Tôi ở đây hơn 40 năm, lên xuống bao nhiêu lần, cứ đến khúc cùi chõ này là thấy phu đang làm đường! Ngặc một nỗi chỉ có một con đường duy nhất đi nam, bắc. “No other choices”, không còn lựa chọn nào khác. Tôi chăm chú theo đồ bản hai năm cũ trên chiếc GPS. Quang Hiền máy mó cái Iphone cố “làm tốt” chức năng Airdrop mới học. Anh Nguyên Trí nóng nãy, than phiền tôi đã cập nhật trễ cái GPS. Tâm Nhuần lim dim, hậu quả của viên Advil lúc rời nhà. Thầy nhăm nhi mấy lát carrot, gật gù: “Nó giúp làm mát đôi mắt”, Thầy nói. “Chút nữa đến nhà anh Tâm Đẳng, anh Thư xin giùm một cây carrot. Nhớ xắt thảnh lát mỏng”.


Lòng vòng, quanh co. “You-turn, Me-turn” 

cũng đến nhà anh Tâm Đẳng, qua Exit 129 như anh ấy chỉ. Ông HTr thâm niên, 86 tuổi, già nhất trong Ban Hướng Dẫn Miền Thiện Minh này có một cái rất đặc biệt, trongnhững cái đặc biệt khác: không lái xe nhưng rất rành đường sá, không chỉ đường sá trong địa phận anh ở mả còn cả những nơi anh đã một lẩn đi qua. Nhờ thế mà phái đoàn đến nhà anh không chút chậm trễ.

Sự thật thì chúng tôi cũng không có thì giờ để chậm trễ. Này nhé, chuyến bay về lại San Jose cất cánh lúc 4:55 chiều nay. Với hậu quả của 9/11, Thầy và hai HTr Tâm Nhuần, Quang Hiền phải có mặt tại phi trường trước 2 tiếng để xong thủ tục “checkin”, có nghĩa là đúng 2:55. Muốn được vậy chúng tôi phải rời chùa Liên Hoa Olympia không trễ hơn 1 :00 giờ, để tránh kẹt xe.

9 giờ 20 phút, chúng tôi rời Chùa Dược Sư. Đến nhà HTr. Tâm Đẳng đúng 10:25. Tôi cho xe leo lên, ngừng hẳn trên lối đi. Thật tội nghiệp, xe vừa dừng đã thấy anh tươi cười, xuống tận nơi chào đón. Nhận xét đầu tiên của tôi về anh Tâm Đẳng là cái lưng khòm của anh hình như bị dẫn lực trái đất kéo xuống thêm vài độ chùng. Sau vài câu xã giao, anh hướng dẫn chúng tôi vào nhà. Phòng khách nhà anh hơi hẹp so với ba cái bàn thờ vừa được thiết kế khi phu nhân anh qua đời. Tang Chị chưa mãn, hương khói vẫn còn đọng, u uất.

“Hôm hay tin chị mất, chúng tôi không đến được”, Thầy nói. “Anh cho chúng tôi thắp một cây hương cho Chị”. Lúc chúng tôi bái lạy, anh trả lễ, quỳ lạy cung kính vẻ xúc động hiện ra trên gương mặt đăm chiêu và qua giọng nói run run. “Dạ, bạch Thầy thì là lúc nhà con mất, lễ di quan có rất nhiều người đến”.

Thầy Từ Lực lo lắng:
-Khi nào mãn tang?
-Dạ thưa tháng 12 này. Dạ con tính làm tại nhà từ đường bên Việt Nam vì Nhà con là con dâu trưởng trong tộc.
- Vậy cả nhà về hết?
- Dạ. Dẫy chớ sao!

Chuyện chưa đến đâu, Tâm Nhuần xen vào, “Có thể mình phải xin phép cắt ngắn câu chuyện, hẹn khi khác anh Bình ạ vì thì giờ quá giới hạn”.
- Trình với Thầy và quý anh như vầy: Thầy trù trì Chùa Từ Tâm đây đã cho phép ra mắt một đơn vị dịp Lễ Vu Lan. Con xin báo cho Thầy và Miền biết. Nhân dịp có đây con nghĩ Mình nên ghé qua viếng chùa và cho Thầy đây gặp Thầy Phước Tấn luôn thể.
- Vậy thì quá tốt rồi. Tôi rất muốn. Chùa gần đây không?
- Dạ gần. Chỉ năm phút. Thăm Từ Tâm xong Thầy và mấy anh đi Olympia cũng tiện.

• Viếng Chùa Từ Tâm, Gặp Gỡ Thầy Trù Trì Thích Phước Tấn
Theo chỉ dẫn của anh Tâm Đẳng, chúng tôi đến Chùa Từ Tâm. Trong một khuôn viên khiêm tốn, nhưng cảnh trí cũng ra chốn chùa chiền, tự viện. Một hồ sen nho nhỏ, hoa sen đang đua nở màu pháo hồng thật đẹp. Đẹp hơn nữa, trong lúc loay hoay lo lắng không chỗ đậu xe, một chỗ duy nhất với một

địa thế tốt nhất còn trống như ai đó sắp xếp dành sẵn cho chúng tôi. “Thật là thuận duyên”, tôi thầm nghĩ. “Chuyến đi Tây Bắc này sao mà êm xuôi vậy”!

Lạy Phật xong, anh Tâm Đẳng giới thiệu với mọi người. Hai vị Tôn Đức cùng thi lễ, tay bắt mặt mừng, chúng tôi thăm hỏi các bác đang sửa soạn trai tuần vui vẻ thân mật như đã gặp nhau từ bao giờ. Rất là ngoài ý muốn của cả chủ lẫn khách, chúng tôi lại phải ra đi, một lần nữa tạm biệt trong luyến tiếc. Khi bước qua chiếc cầu bắt ngang hồ sen, tôi nhìn thấy anh Nguyên Trí trên tay một gốc sen nhỏ, miệng mỉm cười mãn nguyện. “Cũng là do anh Tâm Đẳng giúp một tay đây”, tôi nói thầm. “Nhớ là tôi cũng có phần nghe anh Thư”!

• Viếng Chùa Liên Hoa, Gặp Gỡ Thầy Trù Trì Thích Huệ Nhân và GĐPT Liên Hoa
“Mình sẽ đến Chùa Liên Hoa 11:15”, Tôi lên tiếng cho mọi người và cho chính tôi. “Thầy Huệ Nhân, quý bác và đoàn sinh GĐPT đã sẵn sàng tiếp đón. Giờ giấc cũng suýt sao”. Nói xong, tôi mau chóng quay xe vòng qua Đường 85 vào xa lộ. 30 phút sau, xe chúng tôi ngừng trong bãi đậu xe của Chùa Liên Hoa.

Từ độ Thầy Thích Huệ Nhân về đến nay chùa đã thay đổi rất nhiều. Nề nếp bên trong, khang trang bên ngoài. Cảnh quang thay đổi, phòng ốc sửa sang. Thập phương bổn đạo trở về càng lúc càng đông. Trong tuần, đêm đêm đều có thời khoá tụng niệm, sám hối. Thỉnh thoảng Thầy tổ chức Lễ Thọ Bát Quản Trai, Phật tử thọ giới khá nhiều.



Thật là xúc động khi thấy Thầy Huệ Nhân cung đón Thầy Từ Lực từ bãi đậu xe, hướng dẫn vào tận hậu đường. “Hình như Thầy đã đến đây rồi”, Đạo hữu Thị Bào-Đường Bình nói. “ Đúng rồi! Hôm tổ chức đại hội Tổng Hội Phật Giáo cách đây gần 20 năm”. Tất cả như trở về thời điểm lịch sử Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Thật không ngờ, một Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất Hải Ngoại đã hình
 thành tại chùa Liên Hoa Olympia. Vật chứng và những nhân chứng sống còn đây, hiện hữu; trong đó có Thầy Từ Lực, Anh Tâm Nhuần, Đạo Hữu Đường Bình, Quảng Vị, Thị Hưng...một kỷ niệm để đời. Duyên khởi,duyên sanh. Mặc cho lòng người cũng đổi thay theo cái lẽ vô thường. Chùa LiênHoa đã qua bao đời trù trì, Phật tử bổn đạo lắm người đến cũng lắm kể đi, thế hệ sau thay thế hệ trước. Trước bàn thờ Tổ, hai bàn ăn đã được quý bác sửa soạn chu đáo. Lễ Phật xong, mọi người theo thứ tự phân chia chủ khách vào bàn. Đồng hồ chỉ 11:45.

Đồ ăn ngon, rau lá tươi mát từ vườn của Anh Chị Đường Bình, không khí vui vẻ, đạo vị. Mọi người ăn uống no nê. Chuyện trò đổi trao dòn dã. Trước khi tiệc tàn, Thầy Huệ Nhân còn nghĩ xa, nhờ mấy bác tiện tay cuốn thêm vài phần “to go”.

12:15, Các đoàn sinh GĐPT Liên Hoa lúc này đã xong phần lễ hằng tuần. Phái đoàn và thầy trù trì được mời để cùng làm lễ đoàn và gặp gỡ các em. Tôi đứng ra giới thiệu Thầy và đại diện BHD Miền, ba anh Tâm Nhuần, Nguyên Trí và Quang Hiền. Bằng tiếng Anh rõ ràng, thông suốt, Thầy TừLực đã tâm tình và chia xẻ cảm nghĩ cùng các đoàn sinh của đơn vị. Thầy đã sách tấn, nâng cao tinh thần học

Phật và không quên khuyến khích các em siêng năng đi sinh hoạt. Tiếp theo lời của Thầy khai mở xong, mời Anh Tâm Nhuần nói vài lời. Trong vai vế trưởng ban, anh đã thăm hỏi và cám ơn đơn vị Liên Hoa đã sắp xếp cho buổi gặp gỡ. Mọi người tươi cười cùng nhau chụp vài bức ảnh lưu niệm trước Phật điện. “Con đã quy y với Thầy cách đây ba năm”, trong khi tay mân mê một phong bì đỏ, tịnh tài cúng dường bổn sư của mình, anh Quảng Văn-Trần Văn Lộc nói. “Rất vui được gặp lại Thầy tại Chùa Liên Hoa”. Lời thăm hỏi chưa nói hết đã nghe có tiếng một ai đó hối thúc đến giờ rồi, không đi coi chùng trễ chuyến bay.

1:25pm. Chúng tôi quyến luyến tạm biệt Thầy rù trì và quý bác cùng các Anh Chị Em GĐPT
Liên Hoa, lên đường ra phi trường. Từ đây đến sân bay SeaTac khoảng hơn một giờ lái xe. Dự trù kẹt đường, thời gian ùn tắc, và trong phạm vi tốc độ theo luật định...phái đoàn sẽ đến ngõ Cổng Đi, Departure, kịp giờ “Kiểm Diện”, Checkin. Hôm nay nắng gắc và nóng khô cho dân vùng Tây Bắc, nơi quanh năm nhiệt độ không bao giờ làm người đổ mồ hôi. Tôi nghĩ đến việc đưa Thầy và ba anh huynh trưởng đồng hành ghé thăm nhà tôi, ngôi nhà quạnh hiu từ độ vợ chồng tôi mãi mê vui chơi với đám cháu, ngôi nhà mà quý anh huynh trưởng trong một lần ghé đêm đã đặt tên  “Văn Phòng Hai Ban Hướng Dẫn Miền Thiện Minh”. Nhưng, e rằng sẽ trễ việc chung nên thôi. Lúc xe băng qua ngã ba, giao lộ Pacific Boulevard, tôi vẫn theo thói cũ nghiêng đầu nhìn con đường quen nằm bên nghĩa trang thành phố.

Xe thong dong rời thủ phủ. Trên xe yên lặng, mỗi người theo dõi một ý nghĩ riêng tư. Tôi đoan chắc Quang Hiền chắc chắn đang khám phá những chức năng của chiếc iPhone trong tay; Nguyên Trí hạnh phúc với gốc sen còn trong trạng thái nguyên vẹn; Tâm Nhuần tự trấn an không cần thêm một viên Advil cho cơn cảm.

“Bây giờ tui muốn hỏi mấy anh một câu”, Thầy bất ngờ lên tiếng. “Mình làm việc chung với nhau lâu nay, tôi muốn nghe từ mấy anh, hãy thành thật cho tôi biết quý anh nghĩ gì về cách thức tôi làm việc. Hãy nói cho thực lòng để tôi học hỏi và sửa đổi…” Trong lúc chờ đợi những câu trả lời, Thầy trao tôi một phong bì đỏ. “Nhờ anh Thị Hưng trao cho đơn vị Chùa Từ Tâm một món quà nhỏ trong Ngày Thành Lập”. Tôi đại diện, cám ơn lòng thương mến của Thầy đến với anh em, hứa sẽ trao lại cho anh Tâm Đẳng khi có dịp.

Xe tếp tục chạy êm như ru. Tôi vừa lái xe, vừa dán mắt lên mặt đồng hồ tốc độ, kim vận tốc giảm dần từ 70 xuống, lấy Exit 154 đi về hướng phi trường. Cổng đi hãng Southwest tấp nập người. Tôi có cảm tưởng rằng hình như tất cả mọi người trong thành phố này đều cùng đáp chuyến bay với phái đoàn về San Jose lúc này. Trong ngỗn ngan xe cộ chen nhau cặp vào lề đổ người, xe chúng tôi thêm một lần nữa vào trót lọt. Đồng hồ trên xe chỉ 2:45pm đúng như dự trù!!!

Tôi và Nguyên Trí bắt tay chào tạm biệt Thầy Từ Lực, Tâm Nhuần và Quang Hiền. Thầy quay người, đưa bàn tay qua cửa xe vói nắm lấy tay nhắn nhủ. Tôi chúc Thầy và hai anh một chuyến bay bình an.

Người tôi nhẹ nhỏm, mọi sự viên mãn. Không đầy hai ngày, một chương trình Phật sự dày đặc đã hoàn tất một cách tuyệt vời, ngay cả chuyện đến bất ngờ không có trong dự trình như chuyện viếng thăm Chùa Từ Tâm với một đơn vị sẽ khai sinh trong mùa Vu Lan năm nay. Tất cả như có Chư Bồ Tát chở che, đã đưa bàn tay huyền diệu giúp đỡ.

Trong lúc tôi hãy còn nấn ná để Nguyên Trí trở lại xe và quyến luyến cho cái vẫy tay tạm biệt, người kiểm soát an ninh đã thổi còi dứt khoác ra hiệu cho xe tôi rời chỗ đậu. Tôi chần chừ cho xe lăn bánh và tự dưng nhớ một câu nói hết sức dí dỏm: “Khi mọi thứ đến về hướng của anh một cách mau chóng, hãy coi chừng có thể bạn đang chạy xe ngược chiều trên xa lộ”. Thưa không, trong trường hợp này, trong chuyến về Vùng Tây Bắc này, xin thưa, chúng tôi không nhầm đường. Chắc chắn là chúng tôi đã đi đúng hướng.

Thị Hưng-Đường Hào
Mùa Vu Lan 2017

No comments:

Post a Comment