Thursday, September 4, 2014

Chuyện bên lề (Khóa Tu Học Mùa Xuân 2008)


Happy belated birthday!
Khóa tu học mùa Xuân năm nay 2008 tại tịnh xá Ngọc Sơn Portland, Oregon hoàn mãn một cách thông suốt như khi nó mới được bắt đầu. Ngoại trừ những cơn mưa bụi và nhiệt độ có hơi lạnh, không có một trở ngại nào xày ra cho khóa tu, cho mọi tu sinh, và ngay cả cho chính bản thân tui.

Đầu tiên hết, ngày bắt đầu của khóa tu rất dể nhớ cho cá nhân tui, một người đảng trí. (đọc đến đây chắc chắn Thượng Tọa Từ Lực sẽ mỉm cười vì Ngài biết rõ vì sao.) Đó là ngày sinh nhật của Mai, phu nhân tui! Trong cái thời 'phú quý sinh lễ ngĩa' này, đến sinh nhật của mình thì Mai lại surprise tui đòi đi tu học thay vì tổ chức tiệc tùng, hay ít ra cũng sum họp với đám con trong một cái dinner nho nhỏ ở một restaurant khiêm nhường nào đó như chúng tui vẫn thường làm khi giờ giấc hay hoàn cảnh cho phép. Ăn mừng sinh nhật thì rất đa dạng và rất tốt kém. Hai vợ chồng người bạn tui có một giao kèo hể cứ đến ngày sinh nhật của người vợ thì cả hai sẽ làm một chuyến du lịch đến một thành phố cách một ngàn dặm xa hơn nơi mình ở. Một cặp khác thì 'ảnh sắm cho em một món trang sức có giá trị hơn năm trăm đồng'...

Mặc dù Mai là người thay tui quán xuyến bao đồng hết những chuyện làm cho đơn vị từ khi đơn vị ra đời cho đến nay, cô ta chưa bao giờ theo tui đi dự một ngày tu học nào cả. Đi họp thì chỉ một lần duy nhất. Ấy vậy mà bây giờ Mai lại đòi đi tu học. Như vậy là quá khỏe cho tui, (không phải vì đở tốn kém, không phải cheap đâu nghe) và lại tiện việc cho mọi người. Happy birthday em!

Trước ngày đi dự khóa tu, thình lình anh boss của tui gời một e-mail cho biết tui nên coi lại số ngày nghỉ của tui trước khi nó bị xóa nếu không xài đến trước tháng sáu. Thiệt là "phước bất trùng lai, họa vô đơn chí". Tui tự thưởng cho mình hai ngày nằm nhà, một ngày trước khóa tu để lo sắp xếp (có nhiều chuyện cho tui sắp xếp lắm thưa quý anh chị. Này nhé tui phải đổ xăng -rẻ tại Costco, tui phải cắt cỏ -vì nó đã lên đến đầu gối rồi, tui phải nhớ mang theo 2 túi ngủ, mang balô đựng đồ thay, cái night guard cho hàm răng... nhất là tui không thể quên cái mền và chiếc gối ôm cho Mai. Mọi thứ phải hoàn hảo để bảo đảm cho phu nhân tui có một ấn tượng tốt về những dịp tu học hay họp hội trong Gia Đinh Phật Tử. Đây là để "bảo hiểm" cho những lần đi sau này!) và một ngày sau khóa tu để hoàn tất trang tu học. Perfect!

thứ Bảy, 6:00 sáng . Tui thức giấc vắt cam tươi cho vào chai mang theo - "bảo hiểm" đầy đủ vitamin để chứng minh đi tu học không tổn hại sức khỏe. Sau khi mọi thứ vật dụng cho vào cóp xe, chúng tui chờ(?)! Đêm thứ tư, Mai nhắc tui gọi cho anh Tâm Đẳng trường hợp anh muốn đi với chúng tui và được anh cho biết Thành sẽ pickup trên đường xuôi Nam. Từ nơi Thành và Tâm ở đi Portlan thì phải qua ngang phố tui, tui thầm nghĩ thế nào mấy anh chị này cũng sẽ hú tui để trên đường đi có bạn cho vui. Tui chờ... và tui chờ.

8:00 giờ. Linh tính báo cho tui biết mình đã bị đồng bọn bỏ rơi, tui allo Thành thì nhận ra Tâm.

- "Tâm đó hả, em đến đâu rồi?"
- "Dạ, em đến exit 65 rồi"

Nơi tui là cây số 104, như vậy là họ đã hơn tui cả 30 phút rồi! Hơi buồn một chút nhưng không sao.

Lúc tui ra đi Olympia nắng ấm, không phải lạnh giá cung đàn như trong bài hát của ông Đoàn Chuẩn, nên xe êm ru và chạy mau - tui vượt qua một chiếc Corvetter! - như tuồng để bắt kịp những kẻ vô tình. Lần đi này có Mai bên cạnh, có tiếng hát của Quang Dũng (hắn không có mặt trên xe) từ cái i-pot nên chỉ thoáng chốc là đã nghe "keep to the right, Exit is in two miles" thoát ra từ cái GPS. Tiếp theo đó là "destination is on the right, you have arrived". Không trở ngại, không lạc đường, không mất thì giờ thăm mấy cây xăng... Tui cho xe bọc vào phía sau chùa, vừa vô chỗ đậu đã gặp Trúc Nhã, chị gia trưởng đơn vị Dược Sư; xa xa là xe của Thành và đơn vị Liễu Quán. Một số em ở tuổi ngành Thiếu đang chào hỏi gặp gỡ. Trên hiên chùa một số đoàn sinh Dược Sư, Trúc Mai (tóc vàng), Trúc Cúc và bé con... có cả Liễu Quán Bình trong đám đông. Tui nhận ra Tâm, Ngân. Tui đưa máy ảnh bấm vài cái, máy ảnh chớp sáng rồi ngưng, displays "out of batterry". Hơi bực mình một chút nhưng không giám bộc lộ vì đây rõ ràng là lỗi của tui. Theo hông chùa, tui đi xuống, vào trai phòng. Ở đây tui gặp Đồng Nguyệt đang oang oang ra lệnh hết người này đến em kia: "giúp giùm chị đi!" "Thịnh, Thịnh, em giúp chị..." "Ô chào anh chị Hào, nhờ chị thu tiền, à không, viết giùm ĐN mấy tờ chương trình..." "Ngồi xuống đây đi, anh Bình, anh Hào ngồi xuống đây mình cần thông qua chương trình..."

Chúng tui ngồi xuống chiếc bàn dài nơi đó có chị Kha và đứa cháu ngoại, có cả Tâm. Tui giao $100 
- "Đây là tiền đóng của đơn vị, và đây là tiền của hai người"
- "Đơn vị Liên Hoa đi có hai người thôi?"

Có tiếng Lâm vọng đến từ xa:
- "Anh Hào, đơn vị anh đâu phải chỉ có hai người!"

Tui tảng lờ, mong sao Quảng Ngân là Sơn thì quá tốt. Nghe riết phát chán và quên mất tự ái "đơn vị". Tui đã nhiều lần bắt buộc, nhắc nhỡ, khuyên bảo, thậm chí có đôi lúc tui nghĩ mấy anh chị này không tham dự cũng chẳng sao miễn là đừng coi việc tui làm như đi họp, đi trại, đi tu học... là những việc vô bổ. Không lôi kéo được mấy anh chị này cùng đi là một thất bại lớn trong sinh hoạt GĐPT của tui. Lúc đầu khi đi một mình như thế tui còn ngại ngùng nhưng riết rồi tui coi như việc tham dự những chương trình chung như thế này chỉ là dịp cho cá nhân tui mà thôi. Nhưng hôm nay không phải chỉ mình tui mà còn có phu nhân tui, hai người là hơn xưa rồi, còn đòi hỏi gì nữa!

Tui đưa máy hình lên định bấm vài cái nhưng nhớ lại nó đã hết pin, tui bèn quay qua chị Đồng Nguyệt, sau khi đã nhờ phu nhân tui đem cái máy hình đi recharge.:

- "Chị ĐồngNguyệt, chị có máy hình không, cho mượn"
- "Dạ có" Giao máy hình xong chị nói tiếp: "anh giữ giủm Đồng Nguyệt luôn đi"
- "Đồng ý"

Tui mang máy hình ra trườc tiền đường gặp Thành. Thành chìa cái đồng hồ cho tui xem giờ, nói:

- "Bây giờ mới 10 giờ rưỡi"
- "Sao nói chương trình bắt đầu 10 giờ?"
- "Dạ không chị Đồng Nguyệt sửa lại 11" Thành rên rên: "hay là mình bắt đầu tập họp điểm danh chớ không mấy em nó lang thang không tốt, anh há"
- "Đúng"

Thành thổi còi "te,, tích tích tích"

Tiếng chân chạy thịch thịch, tiếng nói chuyện, tiếng ồn, tiếng..."Liễu Quán... Minh Quang... Dược Sư" và sau cùng "Thiện Minh sẵn..."

Từng đoàn lũ lượt kéo nhau vào bên trong chánh điện để làm lễ khai mạc khóa tu mùa Xuân năm 2008.

11 giờ
Thiện Huấn, Trúc Nhã, Đồng Nguyệt và anh Tâm Đẳng đi tác bạch, cung nghinh chư tôn quan lâm chứng minh. Tui chen người qua mấy chiếc bàn ghế ngỗn ngang, đưa máy tay bấm lúc mấy thầy ngồi trên một chiếc bàn tròn và ba đại diện tu sinh quỳ mọp tác bạch. Đoàn người đi vòng ra phía trước, rối tiến vào chánh điện trong tiếng lâm râm "Nam mô A Di Đà Phật". Mưa bắt đầu bay bay.

Chánh điện tịnh xá Ngọc Sơn thật là hùng vỹ, màu sắc lung linh, mọi thứ mới mẻ bóng loáng. Trên điện Phật, có hơn 10 vị Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, và Sư Cô trong y vàng rực rỡ làm bầu không khí trong chánh điện vốn đã trang nghiêm càng tăng phần trang trọng. Sau khi chị Đồng Nguyệt đại diện Ban Tổ Chức trình diện tu sinh, Hòa Thượng Thích Minh Thiện nhân danh viện chủ tịnh xá bày tỏ niềm vui khi thấy các em đến chùa tu tập, đồng thời Hòa Thượng cũng nhân dịp này tán thán sự có mặt của Thượng Tọa Thích Từ Lực người đã không quản ngại đường xa đến để hướng dẫn tu tập cho các em trong hai ngày. Lễ khai mạc khóa tu năm nay đã diển ra trong bầu không khí thân tình và đạo vị, có những bài thơ đã được đọc, có những tràng pháo tay và những nụ cười hân hoan của hơn 60 đoàn sinh của bốn đơn vị trong vùng Tây Bắc.

12 giờ - Cơm Chánh Niệm
Các tu sinh được hướng dẫn ngồi ăn trong im lặng. Trước khi ăn chúng ta tri ân công khó và lao tác của mọi người đã tạo ra những thức ăn cung cấp cho chúng ta, và chúng ta nguyện chỉ ăn những thức ăn nuôi dưỡng cơ thể... sau hai tiếng chuôn dài, tiếng cười nói trở lại theo cái hồn nhiên của lứa tuổi.

Khóa Giảng của Thầy Từ Lực - Ái Ngữ trong tình Lam.
Có thể nói thời khóa này đã mang các tu sinh gần đến với Thầy và mang Thầy gần đến với các em. Chưa bao giờ tui quan sát một buổi học mà trong đó nhiều cặp mắt mở to, những gương mặt chăm chú, nhiều tiếng cười và có cả tiếng thút thít nhè nhẹ như khóa học này. Ái ngữ và sự yêu thương, một đề tài đã được Thầy personalize, đã riêng tư hóa. Câu chuyện của chính cuộc đời mình, những vui buồn trong thời bé thơ... chiếc áo lam rách, tâm tình của người chị trưởng ở phương xa... đã làm các em hiểu được thế nào làm mối tình Lam. Đặc biệt, Thầy đã vận dụng ngôn ngữ của các tu sinh: English, dản dị và thực.

Nhân dịp này tui mới nghe được Thầy hát vọng cổ, mới biết cũng có người Huế thích cãi lương. Tiếng hát của Thầy cũng 'mùi' hương vị Nam Bộ.

5 giờ chiều - giờ Ngồi Thiền
Đối với một số tu sinh, đây là lần đầu tiên được hướng dẫn ngồi thiền. Bắt đầu ba phút và sau đó năm phút. Tất cả im lặng. Trong cái lặng im của tĩnh mịch bao trùm chánh điện, tui cung thả hồn theo hơi thở. "Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười". Có một ý nghĩ đã len vào trong đầu tui: "không biết phu nhân tui ngồi được bao lâu đây?". Không lâu, chỉ một thoáng, một thoáng rồi thôi, cái ý nghĩ dư thừa ấy ra đi theo hơi thở ra vào của tui. Hình như tui nghe được tiếng mưa rơi bên ngoài.

8 giờ - Trà Đàm
"Đây là trà đàm chớ không phải thiền trà". Đồng Nguyệt xác định với tui như vậy mặc dầu tui không phân biệt thế nào là thiền trà và thế nào là trà đàm, tui đoán có lẽ chõ khảc biệt là ở mức độ lặng im bởi vì số bánh ngọt và trà nước thì cả hai cũng chẳng có giới hạn. Nhưng phải nói là tui thích kiểu trà đàm này vì tui thật sự enjoy cái thời khóa này quá. Tui nghe được một lần nữa tiếng vọng cổ của Thầy Từ Lực, lần này dài hơn, "điệu bộ" hơn... Tiếng vọng cổ của Thầy Từ Lực rất đặc biệt vì trong đó có một chút Huế. Một tràng pháo tay nồng nhiệt tặng Thầy. Mọi người cười thoải mái, nhưng rồi tiếng cười không chỉ ngừng ở đó vì tiếp theo đã có Hòa Thượng Minh Thiện. Không hiểu vì đâu mà cả hai vị này đều có máu văn nghệ đầy mình, kẻ ngâm thơ người vọng cổ. Bây giờ ngồi nghĩ lại mới sực nhớ té ra chị Đồng Nguyệt chẳng làm gì cả, hết giới thiệu Thầy, đến Tịnh Thư, xong đến Thành, anh Bình và tui, rồi một đoàn sinh của đơn vị Minh Quang. Tôi nghiệp chị bắt cậu này hát đến hai, ba lần trong lúc chi trưởng chỉ loay hoay với cái micro.

"Ngủ ở đâu?"
Anh Tâm Đẳng nóng nãy:
- "Thầy khóa cửa rồi làm sao bây giờ?"
- "Tối nay anh ngủ ở đâu?"
- "Đâu cũng được nhưng bây giờ Thầy khóa cửa rồi. Túi ngủ anh trong đó"

Tui lắc đầu hết ý kiến:
- "Chịu!"
Rồi hối hả nói với Mai "Em, chìa khóa! Anh lấy túi ngủ. Em ngủ ở đâu?"
- "Với chị Đồng Nguyệt bên nhà kia" 
- "Anh giúp mang đồ cho em"

Khi trở lại chánh điện cũ, nơi tui sẽ đánh một giấc đả nư như đã được phân chia, tui nhìn thấy cửa tăng phòng hé mở anh Tâm Đẳng mời:
- "Vô đây"
- "Sao nói Thầy không cho"
- "Vậy tối nay Hào ngủ đâu?"
- "Bên kia!"
- "Nguyên Trí ngủ đâu?"
- "Đây"
- "Vây em ngủ ở đây hả?"
- "Dâỹ chớ sao!"

Tui khép cánh cửa, mang túi ngủ và đồ đạc lỉnh kỉnh lên cầu thang tăng phòng. Tất cả cửa phòng đều bị khóa chặc chỉ duy nhất một phòng mà bên trong vừa đủ chỗ cho một người nằm. Nguyên Trí trẻ nhất nhưng lanh chân nhất chiếm ngự chiếc giường single đang thay đồ, tui và anh Tâm Đẳng đành đoạn nằm ngay lối đi. Vừa thay được chiếc áo đã nghe tiếng đập cửa. Tui xuống cầu thang mở cửa. Theo cánh cửa tung ra, Đồng Nguyệt và Mai hình như còn có ai nữa phía sau, tay này gối ôm tay kia gối ngủ, túi ngủ bước vào. Đồng Nguyệt hỏi:
- "Mấy anh ngủ đâu?"
tui chỉ lên lầu, giài thích:
- "tất cả phòng đã khóa chặc, tui và anh Bình nằm trên lối đi. Sao nói Chị và phu nhân tui ngủ bên nhà?" Đồng Nguyệt có vẽ thất vọng.
- "trai phòng có vấn đề nên tất cả kéo qua nhà, không còn chỗ. Mình phải nhường cho mấy em"
- "Chị qua đây làm gì?"
- "Tưởng ở đây có chỗ"
Nói xong chị quay qua Mai "thôi mình đi chỗ khác!"
Tui nhìn cellphone: bây giờ là 1 giờ sáng. Mưa rơi nặng hạt. Tui nhìn Mai nói thầm "coi như một kỹ niệm khó quên trong ngày sinh nhật".

Chủ nhật, 3 giờ sáng
- "anh Bình, giờ này mấy giờ mà anh thức sớm vậy?"
- "mới có 3 giờ sáng"
- "ái da, ngủ lại đi!" Tui càu nhàu "anh làm gì mà thức dậy sớm vậy?"
Không có tiếng trả lời. Chừng chập sau tui nghe có tiếng ngáy nhè nhẹ về hướng anh Bình nằm. Tui nghiêng người chợp mắt.

6 giờ sáng 
Tui và anh Bình lúi cúi thu xếp chiến trường xong kéo nhau xuống nhà bếp tăng phòng. Trời đang mưa. Sân chùa vắng hoe, không một bóng người. Từ căn bếp trước chùa, ánh sáng một ngọn đèn vàng hắt ra lối đi ủng nước. Tôi băng qua sân hướng về baĩ đậu xe, vai mang back pack tay còng kềnh chiếc túi ngủ và cái máy chụp hình. Xa xa, mấy bức tượng bằng thạch cao đứng yên trên sân cỏ ướt, lạnh lẽo. Khi đến gần trai phòng tui lờ mờ thấy bóng Hòa Thượng Minh Thiện từ xa. Ngài đã thức giấc từ bao giờ, chắc đã xong công phu sáng. 

Thu xếp mọi vật dụng vào cóp xe xong tui vào chánh điện tham dự lễ Phật và khóa tụng giới. Vào đến nơi đã thấy Thượng Tọa Từ Lực sẵn sàng khóa lễ. Ngày trước, khi đi các trại huấn luyện hay đại hội, tui ghét nhất là bị đánh thức sớm. Bây giờ thì khác, khác hẵn. Lễ Phật sáng sớm trở thành my favorite, nó làm tâm hồn tui dịu hơn và những lúc đang trầm tư lắng lòng trong chánh điện, nhìn ngọc đèn lung linh, nghe những câu kinh quen thuộc tui nhớ đến Má tui những ngày cùng bà đây đó tại các chùa lâm râm tiếng kệ. Tui nhắm nghiền hai mắt để lòng lâng lâng theo tiếng tụng kinh êm nhẹ hòa lẫn tiếng mõ đều đặn. 

Sau khóa giảng của Thượng Tọa Thích Đồng Trung, viện chủ chùa Dược Sư Seattle, khóa tu coi như bế mạc vì đơn vị Dược Sư phải ra về sớm. Tui nhận được công tác: đưa Thầy Từ Lực đến tu viện Bửu Hưng. Tui vui vẽ nhận lời. Chùa Bửu Hưng không lạ, lại thuận đường và cái GPS làm cho tui nhiều tự tin hơn. Mưa lớn. Có lẽ tui phải cám ơn chị Đồng Nguyệt đã cho tui cơ hội đưa Thầy đi Bửu Hưng vì nếu không tui sẽ không được dịp nghe những chuyện rất là riêng tư của Thầy. Suốt chặn đường, tui chăm chú lái xe nhưng tai luôn luôn theo dõi câu chuyện trao dổi giữa Mai và Thậy. Thiệt là interesting nghe. Có ai biết Thầy Từ Lực ngày xưa đi lính chưa? Không phải chỉ đi lính mà thôi mà là lính thứ thiệt nữa: Biệt Động Quân!

- "Dạ, thiệt ra con và anh Hào cùng quận, chúng con ở Ninh Hòa"
- "Ơ, tui có thời gian đi huấn luyện ở Dục Mỹ nên biết Ninh Hòa"
- "Ủa Thầy đi huấn luyện quân sự?"
- "Ờ, tui đi Biệt Động Quân"
- "Woa!" Mai sửng sốt "Biệt Động Quân?"

Rồi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi câu chuyện chuyển qua Tết Mậu Thân.
- "Thầy có nghe nói đến ông Mậu Tý...?"
- "Ông Tý là thầy dạy tui Anh văn đó"
- "Vậy sao? Ổng là vai bác của con"

Câu chuyện cứ thế kéo dài theo con đường đi đến chùa. Tui vừa lái xe vừa lắng nghe quên mất mình đã đến nơi.

Cám ơn chị Đồng Nguyệt đã vì anh em làm tất cả và nhất là tạo cơ hội cho cá nhân tui. Cám ơn Thầy về món quà đặc biệt trong ngày sinh nhật. Chúng con đã như lời dặn đặt dưới tượng Bổn Sư trên bàn thờ. Lúc viết những giòng này, con đang nhìn nó nhớ lại kỹ niệm ngày đi tu viện Bửu Hưng với Thầy. Và sau hết những câu chuyện lý thú của tuổi nhỏ Thầy kể sẽ mãi mãi in sâu trong trí nhớ. Và cuối cùng: Happy belated birthday!
Thị Hưng

Wednesday, September 3, 2014

2008: Năm Của Cải Tiến Sinh Hoạt?



I REALLY hope so.

Tôi tự hỏi, rồi tự trả lời và xin phép được diễn đạt nửa Việt nửa Mỹ như trên vì muốn thể hiện sự hứng khởi sâu xa của cá nhân khi có dịp được bộc lộ và trao gởi rộng rãi đến quý anh chị Huynh trưởng và các em Đoàn sinh Gia đình Phật tử, niềm mong ước thường xuyên và thiết tha của mình cho sự thăng tiến của một tổ chức mà tôi đã có cơ duyên gắn bó.
Mong ước cho tổ chức được tồn tại lâu dài và phát triển vững chắc, đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng và xã hội cũng là hoài bão không chỉ của riêng ai, nên trong chúng ta, ai mà không cảm thấy vui mừng và hãnh diện khi được cầm hay đúng ra là được ôm trên tay, một công trình có sức nặng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, thể hiện sự hiện diện và những đóng góp về nhiều mặt của tổ chức chúng ta trong suốt ba thập niên qua: cuốn Kỷ yếu 30 năm Xây Dựng và Trưởng Thành dày trên 800 trang, vừa mới được phát hành tháng trước. Một nỗ lực đáng tự hào của tập thể Huynh trưởng. Lật từng trang, tôi thấy một số hình ảnh trở thành biểu tượng đáng ghi nhớ cho những năm tháng cống hiến cho sự nghiệp tình Lam của chúng ta. Cổng chào của trại kỷ niệm 50 năm ở Saratoga, miền Bắc California. Nụ cười trên môi và niềm ưu tư hằn lên nét mặt nhiều Huynh trưởng trong đại hội kỳ V, kỳ VI và trại Huyền Trang III. Tấm gương nhiệt thành của một Huynh trưởng lái xe suốt mấy chục tiếng đồng hồ, xuyên qua mấy tiểu bang về dự trại dù tuổi anh không còn trẻ nữa!
Những thành quả của tổ chức trong chặng đường đã qua có được do sự đóng góp tâm lực, trí lực chung mà tập Kỷ yếu đã thể hiện trọn vẹn, là điều đem lại niềm tự hào chứ không phải tự mãn vì chúng ta đều hiểu rằng thành tích đạt được trong quá khứ giúp chúng ta vững tin để vững bước tiếp trong hiện tại. Sự tồn tại, phát triển của tổ chức chúng ta còn tùy thuộc vào cố gắng và việc làm trong tương lai của chúng ta trên con đường sẽ đi trước mặt, trong đó việc cải tiến nội dung và nâng cao phẩm chất sinh hoạt của tổ chức màu Lam là nhu cầu khẩn thiết trước mắt.
Tôi xin phép khỏi lặp lại vô vàn ý kiến hay đề nghị cải tiến sinh hoạt đã được đưa ra trong các đại hội, nhân các khóa hội thảo, kể cả việc góp ý dưới hình thức câu chuyện bên lề mà cách đây không lâu, cá nhân tôi cũng mạn phép góp ý qua bài Trẻ Trung Hóa Gia đình Phật tử. Giờ đây, tôi chỉ muốn được mục kích việc khai triển và thực hành những điều đã được bàn thảo và đồng thuận dù chỉ là thực nghiệm trên bình diện thí điểm. Everybody wants to see SOMETHING done as soon as possible. Tôi nghĩ rằng cơ hội để hành động và phần vụ đang thuộc về quý anh chị Liên đoàn trưởng mỗi đơn vị tại địa phương. Theo tinh thần cũng như mục đích huấn luyện của trại Huyền Trang mà quý Anh Chị từng dự huấn, chính quý anh, chị là những người lãnh trách nhiệm thực thi chương trình, kế hoạch tại đơn vị hạ tầng, được xem như những người tiên phong đốt đuốc lên đường vì sự nghiệp chung của tổ chức. Tôi xúc động khi nghĩ rằng anh linh của các bậc tiền bối sáng lập như cụ Tâm Minh, của các Huynh trưởng đáng kính như Nguyễn Khắc Từ hiệp cùng lòng mong đợi thiết tha của tập thể áo Lam, đang đón chờ giây phút quý Anh Chị nhập cuộc, bắt tay vào việc.
Tiến trình hành động chắc chắn gặp khó khăn không ít trong đó phải kể địa bàn hoạt động phức tạp và rộng lớn của miền Thiện Minh trải dài từ vùng Tây Bắc của tiểu bang Washington xuống tận miền Bắc California. Do đó, việc gặp gỡ trao đổi hay hội họp sẽ gặp khó khăn, tốn kém, vì giá xăng dầu tiếp tục gia tăng, giá vé máy bay cũng lên cao, nhưng sự tận dụng các phương tiện thông tin và liên lạc hiện đại có thể giúp chúng ta duy trì được liên lạc và trao đổi một cách thường xuyên và hiệu quả, nghĩa là vượt qua được trở ngại địa lý để làm việc hữu hiệu hầu gây tạo được một Sinh Khí Mới cho sinh hoạt trong Miền chúng ta.
Về phương pháp và mục tiêu làm việc, chúng ta thử thực nghiệm một số điểm sau:
1- tập hợp, liên kết Liên đoàn trưởng các đơn vị trong Miền, hay rộng rãi hơn, trong một định chế tạm thời với mục đích trình bày sáng kiến, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau một cách thường xuyên, theo định kỳ và có tổ chức.
2 - chọn một hay nhiều đơn vị làm thí điểm để thí nghiệm hay thực nghiệm mô hình sinh hoạt mới.
3- hướng mục tiêu sinh hoạt trong đơn vị vào những hoạt động mang tính thực tiễn và phục vụ cho phúc lợi xã hội, cộng đồng.
Thí dụ soạn thảo và tổ chức dự án (project) cho đoàn Thanh thăm viếng, làm việc trong một buổi tại viện dưỡng lão, cho đoàn Oanh đi thăm một gia đình nạn nhân hỏa hoạn trong cộng đồng, góp tiền cắc để giúp người vô gia cư?. Khi công tác hoàn tất, trong buổi họp mặt của đơn vị, chúng ta tường trình và kiểm điểm những điều đã làm và những điều chưa làm được để cho mọi người đều thấy hình ảnh Đẹp, cảm nhận được niềm vui Lành của người cho, kẻ nhận trong các công tác này. Đó là sự thực tập hạnh bố thí của nhà Phật trong thế kỷ 21.
Không có khó khăn nào mà không vượt qua được khi mình có sự quyết tâm, bền chí. Điều này từng được thể hiện rõ nét qua hình ảnh của ngài Huyền Trang trên đường thỉnh kinh từ hơn mười thế kỷ trước. Mong rằng, ngọn đuốc truyền thừa của bền lòng, quyết chí, sẽ được trao tay và quý Anh Chị hăng hái lên đường. Đường đi không hanh thông nhưng người lên đường không đơn độc. Cùng với các anh, chị và bên cạnh các anh, chị, còn có cả tập thể Gia đỉnh Phật tử đồng hành, đặt tin tưởng và hy vọng vào trọng trách mà các Anh Chị được ủy thác. Xin đừng phụ lòng tin cậy, hỡi những người Liên đoàn trưởng Gia đình Phật tử của thế hệ hôm nay.
Sáng nay, nhìn trên màn ảnh truyền hình, tôi lại thấy hình ảnh ông Barack Obama, một ứng viên tranh việc đề cử của đảng Dân chủ, với khẩu hiệu: Change - We Can Believe In. Với nhiệt huyết của một nhà chính trị gốc da màu, ông tỏ ra khôn ngoan khi kêu gọi toàn dân nên hướng về sự lựa chọn cho một cuộc đổi thay toàn bộ, từ vấn đề nhân sự cho đến cơ cấu xã hội, kinh tế và nhất là phục hồi niềm tin cho người dân Hiệp chủng quốc. Không phải chỉ có mình ông Obama, mà bà Clinton, thượng nghĩ sĩ McCain, người cao niên hơn, trong cuộc chạy đua vào tòa Bạch Ốc cũng kêu gọi cần có sự thay đổi, đoàn kết để vượt qua mọi khó khăn hiện nay, dựng lại tự tin, đem lại niềm vui, đời sống an lành cho dân chúng. Tôi cảm thấy máu sôi lên từng chặp trong huyết quản, cảm thấy như mình đang đứng cạnh cụ già ở Iowa, bên tấm biểu ngữ màu xanh, chữ trắng, chắp tay cầu nguyện cho cơ hội đổi thay trở thành hiện thực.
Với tổ chức chúng ta, sự thay đổi không có ý nghĩa một chiêu bài. Chúng ta cần sự thay đổi trong chiều hướng tích cực của ý nghĩa đổi thay. Đó là sự cải tiến. Phương cách duy nhất để chúng ta có thể vượt thoát khó khăn, suy thoái. Đó là lẽ sinh tồn của tổ chức. Mời quý Anh Chị chọn ngày xuất phát. Trước hay trong Đại hội Huynh trưởng Toàn quốc năm nay, ta hãy phát nguyện, cùng ngẩng cao đầu, cùng nắm chặt tay nhau, cùng nhau đốt đuốc lên đường làm công tác cải tiến sinh hoạt hầu mang lại một sinh khí mới cho đơn vị và để trong một ngày không xa, đem lại một vận hội mới cho tổ chức thân yêu của chúng ta.
Trong niềm tin tưởng thiết tha, tôi xin thành thật cầu chúc quý Anh Chị Huynh trưởng và các em Đoàn sinh sang năm mới Mậu Tý, 2008, được nhiều an lành, khỏe mạnh, sống vui trong tình Lam thắm thiết.

Thích Từ-Lực
(E-mail: thichtuluc@yahoo.com)

Phong Tục Ngày Tết Nguyên Đán


Người Việt gọi ngày đầu năm âm lịch là ngày Tết Nguyên Đán, hay nói gọn là Tết. Tết là mùa để sum hợp, ăn mừng và nghỉ ngơi. Đối với bà con ở nông thôn Việt Nam, việc ăn Tết càng quan trọng hơn, vì trong năm hết làm những vụ lúa mùa, còn phải trồng hoa màu phụ, cho nên công việc nhà nông làm không dứt, quanh năm suốt tháng thật bận rộn, vất vả với công việc đồng áng và có khi không được nghỉ ngơi những ngày cuối tuần. Vì vậy, Tết là cơ hội để nghỉ ngơi, bỏ tất cả mọi công việc hằng ngày để Mừng Xuân Hưởng Tết: đoàn tụ gia đình, ăn uống, giải trí, thăm viếng và chúc tụng lẫn nhau...

Khi nói đến Tết, là chúng ta thường nghĩ đến những bận rộn nhưng đầy niềm vui như: Ở vùng quê, miền Tây Nam phần Việt Nam, bà con mình sau vụ lúa mùa, tức khoảng giữa tháng chạp, bắt đầu lo xay lúa, xay nếp để chuẩn bị làm bột, tráng bánh: bánh tráng thì tráng ban ngày; ban đêm, thì quết bánh phồng. Bà con lối xóm kéo nhau đến nhà này sang nhà nọ để giúp nhau, không khí những ngày này thật vui nhộn. Quý bà nội trợ cũng bắt đầu chọn ngày để làm dưa cải, dưa giá, dưa kiệu ... để cho kịp chua cho ngày Tết, cũng như còn phải mua sắm chiếu mùng, quần áo mới cho cả nhà. Nhà nào có trồng hoa mai, cũng chuẩn bị lặt lá từ hôm rằm tháng chạp, để nó nở đúng vào ngày mùng một (hoa nở nhiều và đúng vào ngày mùng một Tết là điềm vui vẻ, sung túc cho cả năm). 

Chiều 23 tháng chạp âm lịch hằng năm, mỗi nhà thường tổ chức lễ tiễn đưa ông Táo về chầu trời, để tấu trình mọi việc dưới trần gian và trong gia đình của gia chủ. Ai ai cũng muốn ông Táo trình những điều phước điều thiện mà họ đã làm trong năm, với hy vọng là Trời sẽ ban cho họ năm mới tốt đẹp hơn. 

Khoảng các ngày 24, 25, 26 Tết, thường quý ông làm việc lu bù, nào sơn phết nhà cửa, hàng rào, đánh bóng những bộ lư hương bằng đồng, dọn dẹp trang hoàng tủ thờ... Tất cả cái gì cũng phải thật mới để ăn mừng Tết ! Riêng quý phụ nữ thì trổ tài làm bánh mứt đủ loại như : Bánh chưng, bánh tét, bánh ít, Mứt khóm, dừa, gừng, hạt sen, me, mãng cầu... đủ màu thật đẹp mắt. Quý bà nội trợ cũng chuẩn bị nồi thịt kho với trứng Vịt và nước Dừa tươi. (Thịt kho mà ăn với dưa giá thì thôi khỏi phải chê). 

Thường bánh Tét, bánh chưng được nấu vào đêm 28 hoặc 29 Tết, canh nấu suốt đêm đến sáng mới chín, thời gian phải mất khoảng trên 7 giờ đồng hồ. Bánh chín vớt ra cho ráo nước để chuẩn bị đem biếu cho bà con, họ hàng thân tộc trong dòng họ, trong khi bánh còn nóng hổi. 
Chiều ngày 30 Tết, mọi nhà đều làm lễ cúng tổ tiên, cúng thần đất đai để rước linh hồn ông bà và những người thân về ăn Tết cùng con cháu gọi là cúng Tất Niên và đến mùng một Tết cúng chay và đến mùng 2 cúng mặn lại. Bữa cơm cúng rước ông bà là một trong những bữa cơm cuối năm ăn ngon nhứt trong gia đình sau những ngày chuẩn bị Tết mệt nhọc. Trên bàn thờ ông bà, thông thường có bộ lư hương bằng đồng được lau chùi sáng choang, hai bên có chân đèn để cắm cặp đèn cầy màu đỏ, một cặp dưa hấu và kèm theo đủ loại bánh mứt và mâm ngũ quả.
Người Việt mình cho rằng vũ trụ được tạo bởi năm nguyên tố căn bẳn: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Cho nên mâm ngũ quả thường gồm năm loại trái cây mà tên gọi có ý cầu mong một điều gì đó. Trong mâm quả thường hay có Mãng Cầu (là cầu chúc cho mọi điều đều như ý), có Sung (với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc), có Dừa, vì âm "dừa" tương tự như là "vừa", có nghĩa là không thiếu; rồi Đu Đủ, vì đó có nghĩa là mang một năm mới được đầy đủ thịnh vượng; Ngoài ra còn có Xoài, vì tên "Xoài" na ná như là "xài", để cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn. Tục Mâm Quả ngày Tết là một nét đẹp của dân tộc Việt Nam mình, nó biểu tượng cho lòng biết ơn ông bà tổ tiên cũng như sự mong ước một năm mới an khang, nhiều may mắn, tốt đẹp.
Ngoài ra, một bàn thờ thiên cũng được thiết lập ngoài trước sân nhà và có cây tre làm cây nêu dựng sẵn trước cửa nhà, trên bàn thờ này cũng chuẩn bị nhang đèn hoa quả. 

Sung sướng nhất vẫn là các em nhỏ, khoảng gần xế chiều 30 Tết, thì được tắm rửa sạch sẽ để sáng mai thay quần áo mới, còn người lớn thì phải lo đủ thứ kể cả mấy bao gạo, lu nước, hũ muối cũng phải châm cho đầy, còn mấy ông bà nghiện trầu cau, thuốc hút cũng phải đi mua cho đủ, vì ba ngày Tết ít có tiệm nào mở cửa bán. Các khoản nợ cũng được trang trải cho xong, để con nợ không hỏi tiền mình thiếu trong ba ngày Tết, họ tin rằng đây là điềm không may trong năm mới. 

Sau khi làm lễ đón rước ông bà và ăn uống xong, các trẻ con thường đi xem múa Lân hoặc đi từng đoàn từ nhà này qua nhà khác vui chơi. Có nhà thì vẫn còn nấu bánh tét cố ý ngồi châm lửa, uống trà để chờ giờ đón giao thừa. Còn người lớn, nhứt là quý bà lo nấu chè, nước, hoa quả, cắt bánh Chưng, bánh Tét... để chuẩn bị đón giao thừa đúng 12 giờ đêm. 

Đến giữa khuya, tiễn đưa năm cũ rước năm mới vào, gọi là giao thừa. Thật lạ lùng thay! Tất cả cảnh vật trở nên nghiêm trang và rất là thiêng liêng, nhà nhà đều cúng lễ gia tiên giao thừa, treo bùa nêu lên đọt cây tre, rồi đốt pháo. Tiếng pháo vang rền khắp mọi nơi để đuổi trừ những cái xui xẻo năm cũ và đón mừng năm mới, với ước mơ hy vọng bước sang năm mới sẽ làm ăn phát đạt hơn, may mắn hơn và nhiều tốt đẹp hơn năm cũ. Sau khi nhang tàn, thì hạ mâm cỗ xuống để cả nhà cùng quây quần ăn chè, bánh mứt, hoa quả... 

Phong tục Tết Việt Nam hằng năm, thường mỗi nhà nấu một nồi chè đậu xanh để cúng giao thừa và dựng nêu. Ngoài ra, còn cắt dưa hấu đầu năm nữa, nếu trái dưa hấu thật đỏ, lại ngọt dòn, thì nhà đó tin rằng năm mới sẽ có thời vận tốt cho gia đình suốt năm, còn trái lại dưa hấu không đỏ, không ngon ngọt thì xem như năm mới không được tốt và bị xấu cả năm (đó là sự dị đoan của phong tục Việt Nam xa xưa). 

Còn trẻ con sau khi đốt pháo và ăn uống no nê thì đi ngủ, chỉ còn người lớn tuổi ngồi nhâm nhi bên tách trà xanh để thưởng thức cái yên lặng, cái linh thiêng huyền diệu của đêm trừ tịch với mùi trầm hương quyện lẫn mùi pháo, rồi tưởng nhớ những người thân đã khuất hay nhắc nhở đến một vài đứa con, đứa cháu trong gia đình vì đi học hay đi làm ăn xa không thể về chung vui mừng xuân đón Tết bên tổ ấm gia đình. 

Có nhiều người hay gia đình, sau khi cúng giao thừa xong vì tin tưởng vào số tuổi để chọn giờ xuất hành đầu năm cho hạp và làm ăn phát tài năm mới, rồi còn chọn hướng đi nơi nào trước, để cúng chùa, cúng đình...hoặc đi hái lộc hay xin xâm đầu năm, để cho biết thời vận trong năm đó. Việc hái lộc thường chọn một cành cây xanh tươi tốt, có nhiều mầm non, tượng trưng cho năm mới được tài lộc sung túc.

Sáng mùng một Tết, thì thói thường ông bà già hay chủ gia đình thường thức dậy sớm để làm lễ xông đất, nếu các con các cháu có thức sớm hơn cũng không được mở cửa nhà, mà phải chờ đợi người gia trưởng trong gia đình mở cửa, tất cả con cháu xúng xính trong bộ quần áo còn thơm mùi vải, cả gia đình phải tề tựu trước bàn thờ để trước làm lễ cúng ông bà tổ tiên đầu năm, sau mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Các con cháu được lì xì bằng những phong bì màu đỏ, bên trong có tiền mới toanh, còn thơm mùi giấy, theo thói thường các con cháu làm tuổi nói như sau : Năm cũ qua, năm mới tới, Con làm tuổi ông bà (hay cha mẹ) được mạnh khỏe, vui vẻ và sống lâu trăm tuổi. 

Kể từ mùng một đến mùng ba Tết, mọi người rất kiêng cử, không được giận hờn, gắt gỏng, la rầy, không tạo chuyện buồn phiền, vì e rằng sẽ xui cả năm, không được hái trái cây và cũng không được quét nhà đổ rác đi, vì người mình tin rằng, khi quét nhà đổ rác, tiền bạc sẽ ra như rác vậy. 

Trong ca dao Việt Nam cũng có câu : "Mùng một Tết nhà, mùng hai Tết thầy, mùng ba Tết bạn". Trong suốt ba ngày tết nhiều trò chơi kể cả cờ bạc, thú vui, biểu diễn nghệ thuật, múa lân, thi đua được tổ chức khắp nơi để mọi người giải trí, trổ tài hay tranh tài. Đến sáng mùng ba Tết, mọi nhà cúng để tiễn đưa linh hồn tổ tiên trở về âm giới. Mặc dù thế, trên bàn thờ lúc nào cũng được thắp nhang, hương khói nghi ngút, đèn sáng trưng. Mùi trái cây, mùi hương, mùi pháo tất cả hòa lẫn nhau tạo nên một hương vị đặc biệt của riêng những ngày Tết Việt Nam. Những cành Mai, cành Đào trên bàn thờ hay ở góc nhà cùng vài chậu Vạn Thọ, Cúc, Thược Dượt... đang khoe sắc tỏa hương thơm ngào ngạt góp phần tạo nên không khí ngày Tết.

Tết ở nông thôn vui lắm, có khi kéo dài đến cả tháng, chọn ngày tốt để làm lễ hạ nêu, trong khi dân thành phố thì trái lại, chỉ ăn Tết nhiều lắm ba ngày, nhưng thường là ăn Tết đến hết ngày mùng bốn hoặc mùng sáu là hạ nêu và làm lễ khai trương cửa hàng buôn bán, ít ai đầu năm chịu làm lễ khai trương vào ngày mùng năm, bởi vì ngày mùng năm là ngày lẻ, nên mọi người cho là không tốt. 

Mùng sáu mặc dầu đã hết Tết, nhưng “tháng một là tháng ăn chơi”, cho nên cái âm hưởng những ngày Tết vẫn kéo dài đâu đó: bàn thờ vẫn còn nghi ngút khói hương, mai vẫn còn vẫn vàng rực rỡ trước sân nhà, những tiếng pháo, múa lân vẫn còn đì đùng lảo rảo khắp đường, những nụ cười hớn hở của đám trẻ thơ với những bao lì xì đỏ thắm và những hàng Bầu, Cua, Cá, Cọp vẫn còn vang vảng đâu đây.....

Diệu Minh

Mang Xuân vào tận Tâm Lòng



Những ngày đầu năm dương lịch đối với nhiều nước trên thế giới là những ngày làm việc bình thường và còn có phần bận rộn hơn ngày thường nhật. Riêng đối với một số nước Châu Á, trong đó có Việt nam chúng ta, thì mùa Xuân: điểm khởi đầu của một năm mới, và cũng là điểm chấm dứt của một năm cũ. Theo truyền thống lâu đời, Tết của nước ta thường rơi vào khoảng giữa tháng giêng và tháng hai dương lịch. Năm nay, Tết Mậu Tý sẽ rơi vào ngày 7 tháng 2 dương lịch, nghĩa là còn đúng 19 ngày nữa thì năm mới sẽ đến. 

Ngày xưa, Ông Bà chúng ta không chỉ mừng Tết trong ngày mồng một âm lịch, mà thật ra từ hơn cả tháng trước đó thì cả làng cả xóm đã bắt đầu với rất nhiều việc để chuẩn bị cho ngày Tết. Đàn ông thì thu hoạnh cho xong công việc đồng án, sau đó còn phải đánh bóng bộ Lư trên Bàn thờ Tổ tiên; quý bà và các nàng thiếu nữ thì bắt tay vào chuẩn bị những món ăn truyền thống như củ kiệu, dưa cải, rồi còn phải tuốt lá để gói bánh Tét, bánh Chưng; thanh niên trẻ thì bắt đầu don dẹp nhà cửa, vườn tược, lau dọn bàn thờ và trưng bày hoa quả. 

Tóm lại, Tết là một Lễ hội truyền thống đặc biệt được cả dân tộc Việt nam cho nên mọi người đều chuẩn bị và chào mừng rất trang trọng. Trải qua bao năm tha hương, dù ở đất khách quê người nhưng Tết vẫn luôn luôn được mọi người nao nức mong chờ giờ giao thừa (thời điểm giao hòa của hai năm cũ và mới). Mọi công việc chuẩn bị cho ngày Tết và tất cả món ăn đều được lo lắng và chăm chút hết sức là hoàn mỹ. Nhưng như thế cũng chưa hết, Tết đến với rất nhiều điều kiêng kỵ mà chúng ta phải giữ gìn trong suốt những ngày đầu năm như: không cãi nhau, không nói lời xui xẻo, không làm bể chén dĩa v…v.và một điều thú vị là mọi người luôn phải nói lời hòa nhã, êm ái với nhau trong những ngày Tết. Và vì thế, mọi người luôn cố gắng gìn giữ những điều đó như một thói quen. Sự gìn giữ này về tính chất cũng có nhiều điều giống như thói quen và suy nghĩ của một số người Phật tử khi đến viếng Chùa, những lúc ấy nhìn quanh ta nhận thấy ai ai cũng thật là đạo mạo, nhu hòa và rất dễ thương. Nhưng ngay khi chúng ta rời khỏi Chùa thì gần như chúng ta thay đổi thành một con người khác, có thể mất đi một phần dễ thương của mình. Thật ra, chúng ta với thái độ giữ gìn trong mùa Tết hay tự đánh mất bản thân khi rời xa mái Chùa, cả hai đều do chúng ta đã tự tạo cho tư tưởng của mình một thói quen suy nghĩ không hợp lý và không đúng với tinh thần Phật giáo. Tại sao chúng ta chỉ giữ gìn những điều hay, lẽ phải, hay chỉ quan tâm chăm chút lời nói và cử chỉ trong mùa Tết? Tương tự như vậy, tại sao chúng ta chỉ dễ thương và đạo mạo khi đến Lễ Chùa? 

Nói đến đây, QH nhớ có lần đến Chùa phụ Thầy Trụ Trì dọn dẹp Chánh Điện cũ, Thầy trò đang lui cui làm việc, ngay lúc ấy chợt nghe tiếng còi xe cứu thương chạy ngang, gần như ngay lập tức Thầy liền chấp tay niệm Phật, một hành động tự nhiên như nó đã tiềm ẩn sâu trong tâm tư của Thầy. Hành động này làm QH xúc động vô cùng vì mình biết chắc rằng tận đâu đó trong tâm hồn của Thầy đã có sẵn một ngôi Chùa, một Vị Phật với tấm lòng Từ Bi vô hạn. Tại sao chúng ta không học nơi Thầy, để mang hình ảnh và tinh thần của ngôi Chùa vào tận trong tâm hồn mình, để xây dựng một Vị Phật từ bi ngay trong hành động và suy nghĩ ở từng phút từng giờ trong cuộc sống hằng ngày. Cũng thế, hãy nói với nhau những lời ái ngữ, hãy mang đến cho nhau những sự trân trọng, yêu thương trong cuộc sống gia đình và xã hội, ở mỗi giờ mỗi phút trong những lúc còn có cơ hội gần gũi với nhau. Không nhất thiết chỉ giữ gìn trong mùa Tết mà thôi và cũng không chỉ dễ thương khi đến Chùa lễ Phật.

Xuân đến rồi Xuân sẽ đi, thời gian trôi qua không có cách gìn giữ được, nhưng tình yêu thương, và tâm chuyên cần tu học để mỗi ngày trôi qua vị Phật trong lòng sẽ ngày càng từ bi, càng thân thiết và càng gần gũi nhau hơn. Đồng thời hương Xuân và ý Xuân sẽ mãi hiện diện trong mọi người, trong mỗi gia đình người Việt chúng ta cho dù trong ba ngày Tết cũng sẽ đến và cũng sẽ đi. 

“ Học đi, học đứng, học ngồi
Học ăn, học nói, học thôi giận hờn.
Trải lòng học Đạo Từ Bi
Học Tâm Hỷ xả hòa chung cuộc đời..”

Quảng Hoà - Alameda.

Dẫy Chớ Sao!


Tôi chịu thua không tài nào nhớ rõ ràng ngày tháng mình bắt đầu quen con người đặc biệt này, chỉ nhớ mang máng trong một buổi họp Ban Hướng Dẫn Miền hay một dịp tu học nào đó tại Vùng Tây Bắc khi tai tôi nghe một giọng nói hết sức quả quyết và hết sức Phú Yên phát ra từ chiếc bàn chủ tọa: "Dẫy chớ sao!". Âm hưởng của câu nói nghe thiệt là gần và cũng rất quen thuộc. Từ tôi qua Mỹ đến giờ, cái kiểu xác định "Dẫy chớ sao" tưởng như đã thất truyền, đã cỗ đại, không ngờ lại tái xuất giang hồ. Và lần đầu tiên nghe giọng nói đó, tôi đã tò mò quay người nhìn và khám phá ra nhân vật này không ai xa lạ hơn là anh Bình, anh Tâm Ðẳng Phạm Văn Bình của Vùng Tây Bắc. Tôi biết anh từ đó.

Anh Bình năm nay đã quá thất thập cổ lai hy mà mái tóc chỉ loáng thoáng bạc -tiêu nhiều hơn muối. Gương mặt anh vuông. Mấy sợi râu cắt cớ mọc ra từ đỉnh nút ruồi trên chiếc cằm xương xẩu làm anh trông ngồ ngộ. Dù có hơi khòm anh vẫn đi đứng cứng cáp và nhanh nhẹn hơn số tuổi của anh. Bởi vậy nên một số Huynh Trưởng "lớn" người nào cũng ao ước "khi em bằng tuổi anh mà còn đi sinh hoạt được vậy là hết sẩy rồi!" Ðúng vậy, chưa một buổi họp nào hay một trại nào dù là trại tu học hay trại họp bạn mà anh Bình không tham dự. Tôi có thể chứng minh được điều đã nói là vì trong những dịp như thế, những dịp mà tôi có mặt dù tôi có mặt hơi ít(!), anh Bình và tôi hoặc theo một sắp đặc tự nhiên hoặc tự nguyện chúng tôi đều có cơ duyên nằm ngủ cạnh nhau, chia cùng nhau một căn phòng. Nói cho đúng ra thì anh Bình hay tình nguyện nằm cạnh tôi trong khi những anh em khác đều sợ tiếng ngáy của tôi sẽ làm họ mất ngủ. Ðối với anh Bình thì không, không nề hà gì cả, ngáy là chuyện nhỏ như ...con thỏ. Không giống hẵn như trong câu chuyện Tàu chỉ mình ông Bá Nha biết thưởng thức tiếng đàn của ông Tử Kỳ nhưng cũng có thể nói gần gần như vậy, có nghĩa là anh Bình không phải biết thưởng thức tiếng ngáy của tôi mà anh cũng ngáy như tôi! Lại nữa cũng nhờ vậy mà tôi biết thêm nhiều chuyện của anh Bình, do chính anh ấy kể trước khi tôi bắt đầu phát tiếng ngáy "đặc sản" có nghĩa là đã được các anh chị em trong tổ chức cầu chứng cho tôi tại tòa.

Anh Bình cho tôi biết anh là người Bình Ðịnh. Anh lấy Chị năm anh 22 tuổi và hai người có tất cả 11 người con. Tôi dãy nãy:

"11 người!?"
"Ụa, dẫy chớ sao!" Anh xác nhận một cách thản nhiên tuồng như chuyện nó phải vậy mà thôi, rồi anh hốp một ngụm trà tiếp "anh mất 2 thằng, thứ ba và thứ tư nên bây giờ chỉ còn 9 trự"

Chị Bình rất thương chồng, những lần anh đi sinh hoạt xa Chị thường sắp sửa quần áo, khăn, mền... cho vào valise -anh Bình không mang ba lô như một trại sinh với ba lô và bạn đường- và không bao giờ Chị quên mang theo cho anh chiếc gối. "Mụ Xã anh bắt anh đem theo vì anh khó ngủ!" Thiệt ra thì anh Bình ngủ rất ngon, và ngủ rất tận tình, có gối hay không có gối chả trở ngại. Có lần ngủ tại nhà Quang Nhã, anh lôi trong valise ra khoe tôi một cái mền bông Ðại Hàn! 

Theo tôi Chị thương anh là vì tánh tình anh chất phát hiền lành. Tôi chưa bao giờ thấy anh nỗi nóng hay mất bình tĩnh trước một tình huống nào. 

Ở cái tuổi mà đa số các ông chỉ còn muốn ngồi yên hưởng nhàn, bất ly cục cựa, anh Bình lại sinh hoạt rất hăng say. Anh khoác áo "lam" từ nhỏ và anh rất hãnh diện về điều này. Trong thời tranh đấu, anh làm việc tại quận Vạn Ninh quen biết nhiều chư Tôn Ðức, phước cao trọng vọng. Anh kể:

"Năm 1956 tui lấy máy điện của ty (chánh phủ) cho thầy Giác Ðức giảng pháp tại Cam Ranh, lúc đó ông mới được Hòa Thượng Tố Liên cữ vào Nam làm giảng sư..."

Trong số những người mà anh gặp có Cậu của tôi. "Ông Hạp chớ ai, anh quen với ổng mà! Lúc ổng làm Gia Trưởng đơn vị Vạn Ninh thì tui đã ở đó" 

Tại Mỹ, mặc dù anh không lái xe, từ Tacoma anh leo xe bus. Mặc cho xe chạy quanh co, lên đèo xuống dốc, nay tấp chỗ này mai tấp chỗ kia, cứ thế mà anh đi sinh hoạt với đơn vị Dược Sư, giúp đơn vị tân lập này vững chãi. 

Hôm bác Mai, bác Gia Trưởng đơn vị Liên Hoa mất, anh ngủ lại nhà tôi để sáng kịp làm đám tang. Trong chương trình hai anh em đã bàn thảo có lễ Phủ cờ Gia Ðình. Tôi nhận điện thoại từ Quảng Quý cho biết đã xin phép thông qua với Trung Ương, và thực hiện được hay không là tùy địa phương. Tui lanh miệng hỏi Quảng Quý:

"Vậy là dưới anh có cờ sẵn chớ?"
"Không, làm gì có sẵn" Rồi Quảng Quý tỉnh bơ: "mà cũng dể thôi giờ này vẫn còn thì giờ thực hiện"
"Anh nói sao?" Tôi nóng lòng: " Bây giờ may à?"
"Ừ"
"Ai may đây?"
"Hỏi anh Bình!"
Câu trả lời gọn lỏn của Quảng Quý làm tôi toát mồ hôi.
Tôi ậm ừ nói thầm "anh này nói như chuyện chơi. Giờ này mà nói đến may vá" nhưng sợ anh ấy buồn tôi nói:
"Ừ để tôi hỏi."

Suốt ngày hôm ấy tôi không liên lạc được anh Bình. Người tôi nóng như lửa đốt, tôi rất hoang mang chỉ mong sao anh có mặt tại lễ cầu siêu đêm thứ Sáu để hỏi cho cặn kẽ. Thiệt là may, vừa gặp anh tôi hỏi ngay:

"Em lo quá, cái vụ phủ cờ ra sao, mình có cờ chưa? Nhìn anh tỉnh bơ như vầy chắc là đã làm xong"

Anh Bình cười thật tươi với câu trả lời có cầu chứng:
"Dẫy chớ sao!"

Nghe thì vậy nhưng tôi không mấy an tâm lắm. Tan lễ, tôi đưa anh Bình về nhà nghỉ đêm. 

Chờ anh thong thả, Mai, phu nhân tôi hỏi:
"Bác Bình dùng chút gì nghe? Mặn hay chay?"
"Chay." tôi lật đật xen vào "Em, cho anh và anh Bình chay!"

Mai không quen xưng hô 'anh em' với 'anh' Bình vì "ổng già hơn ba (mình) đó" nàng hỏi:

"Bác Bình làm một chai chớ?" Mai mở chai bia "Bác thường ngày có uống bia không?"
"Sao không! Ðể tui nói cho nghe, mỗi ngày khi đi làm về, ăn cơm tối xong là tui làm một chai trước khi đi ngủ"
"Bác còn khỏe quá!" Mai chắc lưỡi khen "Ông già cháu mà như vậy thì tốt quá"

Vừa nói chúng tôi vừa lua qua buổi cơm tối. Lúc Mai loay hoay sắp xếp lại cái bàn, anh Bình tung ra một xấp vải xanh trắng.

"Nè, cờ đây!"
"Trời đất, anh chưa làm xong mà"

Bằng một giọng hết sức tự tin, anh Bình nói lớn:
"Xong liền ngay tức thì!" rồi anh pha một chút trào phúng trật chỗ: "làm xong mình có chén chè ăn trước khi đi ngủ thì nhứt".

Thú thật tôi lúc đó hơi mất bình tỉnh. Nhìn đống vải với lớp tua chưa hoàn tất nằm ngổn ngang bên cạnh mớ chữ chưa cắt xong tôi cảm thấy thất vọng, cho rằng 'ông này làm ăn không đâu ra đâu, lẽ ra phải xong hoàn toàn chớ đâu như kiểu này'. Tôi lẩm bẩm phỏng chừng 'kiểu này cầu cho tới sáng cũng chưa chắc đã có!' 

Khỏi phải nói dong dài. Chuyện may vá không chỉ là chuyện của đàn bà mà còn là chuyện của anh Bình! Anh ra tay mau lẹ, xếp, cắt, khéo léo như một anh thợ. Khi anh cắt, miệng của anh méo theo cây kéo rà chỗ cua mỗi chữ. Không phải chỉ mình tôi kính phục mà ngay cả Mai, cùng tay nghề, cũng phải nghiêng mình chào thua. 

Trong tột cùng của kinh ngạc, lá cờ làm xong lúc 1 giờ sáng, giờ mà theo lẽ sao mai đã mọc ở một nơi nào đó nơi xứ mình.

Và như anh Bình ao ước, chúng tôi mỗi người ăn một chén chè đậu xanh lòng trước khi đi ngủ. Và cũng có lẽ anh Bình nhờ ăn chén chè đậu mát rợi do Mai nấu nên không chờ được giấc ngủ đến, ông đã lăn quay, ngáy khò khò. Đêm đó nhà tôi có hai tiếng ngáy, khác bè nhưng đồng điệu...

Ngoài thì giờ sinh hoạt trong Gia Ðình Phật Tử, anh Bình còn đi làm, 'full time employment'. Tôi không bằng lòng, góp ý:
- "Anh lớn rồi, làm chi cho mệt!"
- "Anh làm kiếm tiền để giúp bà con tại quê nhà" Anh nói với tôi như vậy. Tôi thỉnh thoảng có tạt qua thăm anh tại văn phòng. Ở tuổi quá bát tuần anh còn rất sáng suốt, anh dùng computer, thứ máy móc hiện đại mà mọi người tưởng dể nhưng không phải dể. Một ngón gò người đánh cạch cạch, anh cũng lanh lẹ bấm mouse, cũng delete, submit... ngoài sự tưởng tượng của tôi. Cái thú của tôi là nhìn khi anh viết, anh viết bằng cả con người anh, chỗ nào nét đá lên anh vừa mím môi vừa đưa luôn cả cái cùi chỏ; chỗ nào ngoặc xuống anh đẩy cả cánh tay xuống như tuồng anh muốn thêm vào lá thư một nhấn mạnh cho người đọc, personal expression. Đại diện cho một chi nhánh chuyển tiền, chỉ vỏn vẹn mình anh cáng đáng cả một văn phòng lớn với máy móc, với điện thoại. Khách hàng kẻ vô người ra, mình anh vừa tiếp khách, vừa đếm tiền, vừa nạp hồ sơ vô máy, vừa trả lợi điện thoại, vừa...

"Chỉ một mình anh hả?"
"Dẫy chớ sao!"
"Ở đây có mấy văn phòng như anh"
"Ba. Sát bên cạnh là một"
"Vậy làm ăn sao được!"
"Chẳng sao. Khách hàng toàn là quen biết. Người ta tới gởi tiền vì họ tin anh"

Lúc anh nói chuyện với tôi thì điện thoại reo.
"A-lô! Cái gì? 30 chục phút hả?" Anh vừa nói chuyện vừa bán thẻ điện thoại trên máy.
"Nè số bắt đầu 99..." anh rút trong túi ra một cọc thẻ, cạo cạo xong đưa lên mắt đọc qua điện thoại cho người bên kia đầu dây "9999. Vậy tất cả là hai chục đồng nghe!" 
Tiếng bên kia "Dạ." tiếng nghe rõ mồn một trên intercom. "Dạ! Mai con tới đưa tiền" 
"Rồi!" Nói xong anh lấy ra một quyển sổ nhỏ ghi ghi, chép chép "tụi nó mua chịu"
"Anh bán chịu? Có bị giựt bao giờ chưa?"
"Chưa. Nó giựt làm chi. Chỗ tin tưởng mà"

Thật đúng như lời anh nói, không biết có bao nhiêu người tin anh nhưng Anh Bình thì tin ở mọi người. Có lần vợ chồng tôi ghé chờ rủ anh đi Seattle dự buổi tu học Chúng Duy Ma Cật, tổ chức hàng tháng tại nhà anh Nguyên Trí, anh bận nạp hồ sơ vô máy nên giao cả một túi bạc cả mấy chục ngàn nhờ chúng tôi đếm! Hai vợ chồng với túi bạc nặng trịch, tôi cười nói với Mai:
"Mình mà kẹp vài tờ thì làm sao mà anh Bình biết được hả"
Mai nhìn tôi, lắc đầu ngao ngán: "Vậy là coi như vợ chồng anh Thư, chị Tiếp chờ mình đến dài cổ. Chắc là lỡ hẹn rồi!"

Chúng tôi loay hoay với đống bạc gần nữa tiếng đồng hồ mới đếm xong, lại còn sợ rằng không biết mình đếm có đúng hay không nữa. Mai lo lắng nói như hỏi:

"Phải biết là Bác Bình tin tưởng mình tới cỡ nào. Ai mà dám giao cả một đống tiền như vậy!"

Tôi vui vẻ nhái:
"Dẫy chớ sao!"
 
Thị Hưng - viết cho một người anh đáng kính. tháng Chạp 2007.

Gia Đình Phật Tử Chánh Đức Mừng Chu Niên 6


FREMONT, CA. Ngày 11-11-2007 (Tâm Trong Sáng) - Buổi Lễ Kỷ Niệm Chu Niên lần thứ 6 của Đơn vị Chánh Đức đã được trang trọng tổ chức lúc 2 giờ chiều tại Centerville Community Center (nơi sinh hoạt hàng tuần của Đơn vị) dưới sự Chứng Minh của Thầy Cố vấn Giáo Hạnh - Thượng Toạ Thích Từ Lực, và Đại Đức Thích Minh Nguyện, Sư Chú Phổ Đạt đều đến từ chùa Phổ Từ. Mặc dầu năm nay Đơn vị Chánh Đức chỉ tổ chức nhỏ trong nội bộ mà thôi, nên không gởi thư mời rộng rãi đến tất cả các Đơn vị GĐPT bạn trong Miền Bắc Cali. Tuy vậy cũng không thể thiếu sự tham dự của một số anh chị em của các Đơn vị anh em trong một ngôi chùa Phổ Từ như Chánh Tâm và Chánh Hòa. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của Ban Bảo Trợ, Phụ Huynh, cựu Huynh Trưởng & Đoàn Sinh và Thân Hữu cùng về chung vui.


Sau các nghi thức thường lệ, Huynh Trưởng Gia Trưởng - Nguyên Mãn Trương Công Thành đã ngõ lời chào mừng và ghi tạc lòng từ bi giáo dưỡng của Thầy Cố Vấn Giáo Hạnh - Thượng Toạ Thích Từ Lực, những dìu dắt của Ban Hướng Dẫn Miền Thiện Minh, và những hỗ trợ khuyến khích của các Đơn vị GĐPT anh em trong một ngôi chùa; đặc biệt là những quan tâm yểm trợ về tinh thần cũng như vật chất của các Ban Bảo Trợ, Phụ Huynh, Ân Nhân và Thân Hữu trong thời gian qua.

Tiếp theo, Huynh Trưởng Liên Đoàn Trưởng – Quang Nhã Hoàng Văn Lang đã tường trình sinh hoạt của Đơn vị Chánh Đức trong một năm qua: Anh đưa ra những ưu khuyết điểm để cùng rút tỉa những kinh nghiệm cần thiết, những điều cần thực hiện và những điểm cần khắc phục, hầu cùng chung cảm thông, hiểu sâu và thương rộng để vững tiến trong sinh hoạt của Chánh Đức với những năm tháng sắp tới, cũng như cùng nhau xây dựng GĐPT Chánh Đức ngày càng vững mạnh hơn. Trong dịp này, anh Liên Đoàn Trưởng cũng đã gởi gắm những lời khuyên nhủ đến với các em Đoàn Sinh bằng tiếng Anh để các em dễ dàng tiếp thu, anh nói: “…You and I need to examine ourselves: What have we done or have not done for Chanh Duc? Together from now on, we will find the best way to organize our future events and activities.” Anh còn kêu gọi các em: “…Besides the campaign and encouraging efforts of Huynh Trưởng, I propose that each member should at least invite one new member each year to join Chanh Duc. I strongly ask that you take this approach seriously after this year’s Birthday Celebration.” Cuối cùng anh chúc các em:” I wish you all to stay happy, healthy and succeed in your studies, as well as to enrich your spiritual life with the purpose of getting more sightful in all areas. From that you will learn how to get away from bad temptations in this society by frequently coming to Chanh Duc.”


Sau đó, Huynh Trưởng Gia Trưởng GĐPT Chánh Hòa – Tâm Thể Nguyễn Đăng Diệp cũng là cựu Huynh Trưởng của Đơn vị Chánh Đức được mời lên phát biểu cảm tưởng cũng như chia vui cùng Chánh Đức. Tiếp theo là Huynh Trưởng Gia Trưởng GĐPT Chánh Tâm – Nguyên Thanh Nguyễn Văn Hà, cũng là cựu Cố vấn Gia Đình được mời lên phát biểu và tặng quà. Sau đó là lời phát biểu cũng như lời kêu gọi sự tiếp tay của giới Phụ Huynh trong công việc giáo dục tuổi trẻ của bác Trưởng Ban Bảo Trợ và Hội Phụ Huynh – Tâm Nguyên Lý Hoàng Lưu. Đến đây, ngọn nến mừng chu niên được Thầy Cố Vấn Giáo Hạnh thắp lên và cầu nguyện từ bàn Phật chuyền xuống vị Gia Trưởng, rồi được cắm lên trên chiếc bánh trong một không khí trang nghiêm. Ánh nến được cắm lên trên chiếc bánh và đang lung linh, cũng là lúc mà Thầy Cố Vấn Giáo Hạnh ban Đạo Từ đến với tất cả mọi người: Thầy tán thán tinh thần, thiện chí phục vụ của anh chị em Huynh Trưởng, Thầy cũng ân cần khuyên nhắc mọi người cố gắng thêm nữa trong tu tập, để có thể đóng góp hữu hiệu cho Đạo và Đời.

Sau Đạo Từ của Thầy là đến phần tắt nến và cắt bánh mừng chu niên, phát phần thưởng cho Đoàn Sinh xuất sắc, và sau đó là tất cả mọi người vừa dùng bánh, ăn bún và xem “slideshow” những hình ảnh sinh hoạt của Chánh Đức trong 6 năm qua. Đồng thời cũng trao đổi kinh nghiệm sinh hoạt với nhau trong một không khí đầy tình “Gia Đình”. Bản Tin Thu Đinh Hợi cũng đã được phát hành trong dịp này. Nói tóm lại, một người một vẽ mười phân hài hòa trong ngày sinh nhật.

Buổi Lễ Kỷ Niệm Chánh Đức Lên 6 đã hoàn mãn lúc 4:30 chiều cùng ngày sau khi kết giây thân ái.