Wednesday, September 3, 2014

Mang Xuân vào tận Tâm Lòng



Những ngày đầu năm dương lịch đối với nhiều nước trên thế giới là những ngày làm việc bình thường và còn có phần bận rộn hơn ngày thường nhật. Riêng đối với một số nước Châu Á, trong đó có Việt nam chúng ta, thì mùa Xuân: điểm khởi đầu của một năm mới, và cũng là điểm chấm dứt của một năm cũ. Theo truyền thống lâu đời, Tết của nước ta thường rơi vào khoảng giữa tháng giêng và tháng hai dương lịch. Năm nay, Tết Mậu Tý sẽ rơi vào ngày 7 tháng 2 dương lịch, nghĩa là còn đúng 19 ngày nữa thì năm mới sẽ đến. 

Ngày xưa, Ông Bà chúng ta không chỉ mừng Tết trong ngày mồng một âm lịch, mà thật ra từ hơn cả tháng trước đó thì cả làng cả xóm đã bắt đầu với rất nhiều việc để chuẩn bị cho ngày Tết. Đàn ông thì thu hoạnh cho xong công việc đồng án, sau đó còn phải đánh bóng bộ Lư trên Bàn thờ Tổ tiên; quý bà và các nàng thiếu nữ thì bắt tay vào chuẩn bị những món ăn truyền thống như củ kiệu, dưa cải, rồi còn phải tuốt lá để gói bánh Tét, bánh Chưng; thanh niên trẻ thì bắt đầu don dẹp nhà cửa, vườn tược, lau dọn bàn thờ và trưng bày hoa quả. 

Tóm lại, Tết là một Lễ hội truyền thống đặc biệt được cả dân tộc Việt nam cho nên mọi người đều chuẩn bị và chào mừng rất trang trọng. Trải qua bao năm tha hương, dù ở đất khách quê người nhưng Tết vẫn luôn luôn được mọi người nao nức mong chờ giờ giao thừa (thời điểm giao hòa của hai năm cũ và mới). Mọi công việc chuẩn bị cho ngày Tết và tất cả món ăn đều được lo lắng và chăm chút hết sức là hoàn mỹ. Nhưng như thế cũng chưa hết, Tết đến với rất nhiều điều kiêng kỵ mà chúng ta phải giữ gìn trong suốt những ngày đầu năm như: không cãi nhau, không nói lời xui xẻo, không làm bể chén dĩa v…v.và một điều thú vị là mọi người luôn phải nói lời hòa nhã, êm ái với nhau trong những ngày Tết. Và vì thế, mọi người luôn cố gắng gìn giữ những điều đó như một thói quen. Sự gìn giữ này về tính chất cũng có nhiều điều giống như thói quen và suy nghĩ của một số người Phật tử khi đến viếng Chùa, những lúc ấy nhìn quanh ta nhận thấy ai ai cũng thật là đạo mạo, nhu hòa và rất dễ thương. Nhưng ngay khi chúng ta rời khỏi Chùa thì gần như chúng ta thay đổi thành một con người khác, có thể mất đi một phần dễ thương của mình. Thật ra, chúng ta với thái độ giữ gìn trong mùa Tết hay tự đánh mất bản thân khi rời xa mái Chùa, cả hai đều do chúng ta đã tự tạo cho tư tưởng của mình một thói quen suy nghĩ không hợp lý và không đúng với tinh thần Phật giáo. Tại sao chúng ta chỉ giữ gìn những điều hay, lẽ phải, hay chỉ quan tâm chăm chút lời nói và cử chỉ trong mùa Tết? Tương tự như vậy, tại sao chúng ta chỉ dễ thương và đạo mạo khi đến Lễ Chùa? 

Nói đến đây, QH nhớ có lần đến Chùa phụ Thầy Trụ Trì dọn dẹp Chánh Điện cũ, Thầy trò đang lui cui làm việc, ngay lúc ấy chợt nghe tiếng còi xe cứu thương chạy ngang, gần như ngay lập tức Thầy liền chấp tay niệm Phật, một hành động tự nhiên như nó đã tiềm ẩn sâu trong tâm tư của Thầy. Hành động này làm QH xúc động vô cùng vì mình biết chắc rằng tận đâu đó trong tâm hồn của Thầy đã có sẵn một ngôi Chùa, một Vị Phật với tấm lòng Từ Bi vô hạn. Tại sao chúng ta không học nơi Thầy, để mang hình ảnh và tinh thần của ngôi Chùa vào tận trong tâm hồn mình, để xây dựng một Vị Phật từ bi ngay trong hành động và suy nghĩ ở từng phút từng giờ trong cuộc sống hằng ngày. Cũng thế, hãy nói với nhau những lời ái ngữ, hãy mang đến cho nhau những sự trân trọng, yêu thương trong cuộc sống gia đình và xã hội, ở mỗi giờ mỗi phút trong những lúc còn có cơ hội gần gũi với nhau. Không nhất thiết chỉ giữ gìn trong mùa Tết mà thôi và cũng không chỉ dễ thương khi đến Chùa lễ Phật.

Xuân đến rồi Xuân sẽ đi, thời gian trôi qua không có cách gìn giữ được, nhưng tình yêu thương, và tâm chuyên cần tu học để mỗi ngày trôi qua vị Phật trong lòng sẽ ngày càng từ bi, càng thân thiết và càng gần gũi nhau hơn. Đồng thời hương Xuân và ý Xuân sẽ mãi hiện diện trong mọi người, trong mỗi gia đình người Việt chúng ta cho dù trong ba ngày Tết cũng sẽ đến và cũng sẽ đi. 

“ Học đi, học đứng, học ngồi
Học ăn, học nói, học thôi giận hờn.
Trải lòng học Đạo Từ Bi
Học Tâm Hỷ xả hòa chung cuộc đời..”

Quảng Hoà - Alameda.

No comments:

Post a Comment